Ngày đầu phiên chất vấn: Thẳng thắn nhưng chưa thỏa đáng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù được dành gần trọn một ngày cho việc trả lời, nhưng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát chưa làm hài lòng các ĐBQH và cử tri về nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống dân sinh trong ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII…

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng:

Không thể trả lời bao giờ hết ùn tắc

Ngày đầu phiên chất vấn: Thẳng thắn nhưng chưa thỏa đáng - Ảnh 1

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn sáng qua (23/11), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được các đại biểu "chăm sóc" khá kỹ về các vấn đề "nóng" liên quan đến việc tìm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Phấn đấu giảm từ 5 - 10%/năm vụ tai nạn

Trả lời câu hỏi về các giải pháp đột phá nào nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, phải thay đổi căn bản nhận thức từ lãnh đạo các cấp, các ngành đến nhận thức và ý thức của người dân khi tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và của toàn xã hội. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đưa ra mục tiêu từ năm 2012 mỗi năm giảm từ 5 - 10% vụ tai nạn giao thông và giảm trên 30 phút về ùn tắc giao thông. Theo đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: tập trung vào hoàn thiện, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Cần tổ chức lại giao thông, phân luồng, phân làn hợp lý, giải phóng lòng đường, vỉa hè dành cho giao thông. Nâng cao ý thức của người dân, thực hiện phí, lệ phí đối với các phương tiện cá nhân, nâng cao năng lực vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù đưa ra một số giải pháp, nhưng trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Xin hỏi, Bộ trưởng cho biết sau mấy năm có thể giảm được tai nạn giao thông, ùn tắc? Giải pháp đột phá là gì?", Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ: Bảo tôi khẳng định bao giờ hết thì tôi không thể khẳng định được mà chỉ đặt mục tiêu kiềm chế và giảm dần.

Mặc dù "thông cảm" cho Bộ trưởng Đinh La Thăng mới nhậm chức được hơn 3 tháng và rất ngưỡng mộ về tinh thần dám nghĩ, dám làm của vị Bộ trưởng, nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng thẳng thừng cho rằng, nếu cứ trả lời lòng vòng như vậy, ai cũng làm Bộ trưởng được.

Ùn tắc do quy hoạch

Chia sẻ với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, những bất cập mà các ĐBQH chất vấn còn có nguyên nhân là do diện tích đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 8%, trong khi yêu cầu đất dành cho giao thông phải đạt cao hơn (theo luật là khoảng 16-26%). Trong khi đó, diện tích các bãi đỗ xe chỉ đạt chưa đến 1% (Hà Nội là 0,3% và TP Hồ Chí Minh là 0,8% ). Nguyên nhân nữa là việc thiếu sự kiểm soát việc tăng dân số cơ học ở những đô thị lõi, đô thị trung tâm, đặc biệt là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra hiện nay ở các thành phố lớn. Việc tổ chức mạng lưới giao thông còn rất bất cập. Giao thông vùng thiếu các tuyến vành đai tránh qua các thành phố lớn. Chẳng hạn như đi từ Bắc vào Nam thì đều phải qua Hà Nội. Từ đó chuyện ách tắc là không thể tránh khỏi… Ông Trịnh Đình Dũng đề nghị cần phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch các công trình cao tầng có nhiều người làm việc; tập trung hoàn thiện pháp luật trong việc phát triển đô thị; điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, để tập trung phát triển hệ thống giao thông liên vùng; bố trí hợp lý các công trình như: bệnh viện, trường học để chuyển dịch người ra khỏi nội đô.

Cấm lãnh đạo, công chức can thiệp vi phạm giao thông

Tại phiên chất vấn, phát biểu liên quan đến các giải pháp giảm tai nạn giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình hình diễn biến phức tạp là do các phương tiện giao thông gia tăng rất nhanh, ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Trong khi mức phạt còn rất thấp chưa đủ răn đe nên có thể tăng mức phạt, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, ví dụ tịch thu xe, nhất là những đối tượng tham gia đua xe, lạng lách xe. Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, Bộ Công an sẽ tập trung xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông trong sạch, kiên quyết xử lý những người vi phạm, thậm chí tước quân tịch hoặc truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, phải nghiêm cấm lãnh đạo, công chức can thiệp vào các vụ việc vi phạm mà lực lượng chức năng đang xử ly.         

Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát:

Phải bảo vệ diện tích đất  lúa

Ngày đầu phiên chất vấn: Thẳng thắn nhưng chưa thỏa đáng - Ảnh 2

Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đăng đàn giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cùng những bức xúc của các ĐBQH liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách đầu tư nông nghiệp (NN), biến đổi khí hậu, đặc biệt là giải pháp bảo vệ 3,8 triệu hecta diện tích đất trồng lúa.

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi: "Hiện nay người nông dân khi được mùa rớt giá, khi được giá mất mùa, đời sống khó khăn. Do vậy họ quan tâm tới thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết về thực hiện vấn đề này?". Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang cố gắng triển khai và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Còn tình hình cụ thể, ông Phát "đá" trách nhiệm cho Bộ Tài chính. Bổ sung ý kiến cho người đứng đầu Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, từ năm 2011 đến 2013 sẽ tập trung bảo hiểm rủi ro thiên tai và dịch bệnh. Dự kiến năm 2012 sẽ dành 1.200 tỷ đồng cho việc bảo hiểm nông nghiệp.

Đề cập tới việc bảo vệ 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, phải bảo vệ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây là những vấn đề luôn được ngành nông nghiệp quan tâm, trăn trở. Tuy nhiên, ông Phát chỉ nêu giải pháp chung chung, chưa thuyết phục, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang "đỡ lời", trong số 3,8 triệu hecta đất lúa, chỉ 3,2 triệu hecta lúa hai vụ, còn lại là lúa nương (100.000 hecta) và lúa một vụ (500.000 hecta). Sắp tới sẽ có biện pháp khuyến khích địa phương giữ đất lúa, còn với những vùng chưa sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thì xây dựng các phương án để tăng hiệu quả sử dụng đất...

Liên quan đến việc thoát lũ, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi: Việc nâng cấp quốc lộ 1A, lại thành đê chắn sóng, không thoát nước lũ, gây ngập lúa của dân. Trách nhiệm của Bộ NNPTNT như thế nào? Bộ trưởng Phát cho rằng, việc nâng cấp quốc lộ tạo ra đê gây ngập lụt, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ GTVT đang rà soát quy hoạch, thiết kế các công trình giao thông không chỉ riêng ở địa bàn Quảng Nam mà trên cả nước. 

Ý KIẾN CỬ TRI

Cử tri Lê Tân, KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai:

Nói phải đi đôi với làm

Bộ trưởng Bộ GTVT chưa dám nêu thẳng vấn đề, giải quyết vấn đề thuyết phục. Còn Bộ trưởng  Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chưa thỏa đáng khi cho rằng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là do tăng dân số cơ học vào các quận trung tâm mà không thừa nhận có phần trách nhiệm của ngành xây dựng trong việc quy hoạch tổng thể xây dựng ở các trung tâm thành phố lớn.

Còn Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiều nội dung chưa đi thẳng vấn đề chất vấn khiến nhiều ĐB phải hỏi đi, hỏi lại. Ở những ngày sau, tôi hy vọng các Bộ trưởng sẽ sâu sát hơn, trả lời thẳng thắn, trúng đích hơn.  Trách nhiệm của Bộ trưởng không chỉ thể hiện ở lời hứa trước Quốc hội, mà phải đưa ra được những giải pháp khả thi, biến lời hứa thành hành động, tránh tình trạng "nói" không đi đôi với "làm".

Bà Nguyễn Thị Phương Phường Văn Quán, Hà Đông:

Cần đưa ra lộ trình cụ thể

Trong các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ này, tôi kỳ vọng nhất ở Bộ trưởng Bộ GTVT. Bởi ngay khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã có những hành động, quyết định mạnh như việc "trảm tướng" tại nhiều công trình chậm tiến độ, cấm lãnh đạo chủ chốt trong ngành chơi golf, đề xuất thay đổi giờ làm... Tuy nhiên, phần trả lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn còn vòng vo, chưa đi thẳng, mổ xẻ vấn đề, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể, mang tính thực tiễn cao.

Nhật Nguyên ghi