Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày hội mua nhà giá gốc: Người bán, người mua đều… thờ ơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối cùng, "Ngày hội mua nhà giá gốc" đã diễn ra trong 3 ngày (21 - 23/10). Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp, cũng như các giao dịch của khách hàng tới đây không được như mong muốn.

Ngày hội "đìu hiu"
 

Khi tổ chức họp báo về chương trình "Ngày hội mua nhà giá gốc", Ban tổ chức dự kiến quy mô rất hoành tráng, nào là sẽ có 500 vị trí tư vấn bán hàng trực tiếp, hướng tới 1.000 giao dịch, thu hút 10.000 người có nhu cầu mua nhà, đất. Tuy nhiên, khi kết thúc ngày hội, theo số liệu của Ban tổ chức, chỉ có 32/63 đơn vị đăng ký tham gia, 6.300 khách tham quan, 35 gian hàng trưng bày, 1.672 sản phẩm đăng ký bán nhà giá gốc. 

Trước việc nhiều đơn vị rút khỏi danh sách, Ban tổ chức đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ: Không thu bất kỳ khoản phí nào đối với người dân tham dự và đăng ký mua nhà giá gốc cũng như của doanh nghiệp tham gia bán nhà giá gốc tại hội chợ. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tăng diện tích gian hàng và điều chỉnh giá thuê. Dù vậy, cảnh "đìu hiu" của hội chợ vẫn là điều khách hàng phải suy nghĩ, khi có tới 50% doanh nghiệp bất động sản lớn hủy bỏ ý định tham gia. Sự vắng mặt của các doanh nghiệp như Vinaconex, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng… khiến người tiêu dùng không mấy yên tâm lựa chọn sản phẩm cho mình.

Giá bán vẫn cao

Mặc dù tiêu chí của Ngày hội mua nhà giá gốc là "Sản phẩm thực - Giá trị thực - giao dịch thực", nhưng để tìm được một lô đất, một căn hộ chung cư đối với khách hàng là điều không hề dễ. Bởi mua nhà không chỉ là một món hàng nho nhỏ, có thể thay đổi, hoặc không dùng nếu không thấy phù hợp.

Trong 3 ngày diễn ra "Ngày hội mua nhà giá gốc", các gian hàng luôn trong tình trạng vắng vẻ. Khách đến chủ yếu là để tham quan, tìm hiểu giá cả tại hội chợ so sánh với giá thị trường. Nhiều khách chưa ưng ý với các sản phẩm được trưng bày, cả về giá cả lẫn diện tích. Nhiều gian hàng giới thiệu dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng… không thiết thực với khách hàng tại Hà Nội.

"Tôi đến đây để mua nhà giá gốc. Tuy nhiên, tôi hơi thất vọng vì giá cả chẳng khác gì so với các sàn giao dịch bất động sản. Nhiều dự án ở khá xa, không phù hợp với nhu cầu của tôi. Việc quyết định mua nhà hay đất không thể giao dịch trong lúc này. Để đi đến được giao dịch thành công sẽ phải qua nhiều khâu như thẩm định dự án, xem xét kỹ và bàn bạc với gia đình, sau đó mới có quyết định cuối cùng" - chị Hoàng Thị Thanh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

"Trong lần đầu tiên chúng tôi chưa dám kỳ vọng sẽ có giao dịch, bởi khách hàng có lẽ chỉ đi xem có sản phầm nào phù hợp hay chưa, họ còn muốn trực tiếp xem sản phẩm tại nơi triển khai xây dựng, nếu lựa chọn được rồi, họ còn bàn bạc với gia đình và người thân". 

Ông Nguyễn Trung Thành Giám đốc Công ty CP truyền thông ASEAN C&C (đơn vị tổ chức sự kiện)

Anh Tuấn Lương, một công chức tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Tôi muốn tìm một căn hộ diện tích vừa phải, giá dưới 1,5 tỷ đồng, nhưng đi hết các gian hàng và các bàn tư vấn, vẫn chưa thể chọn được. Những căn hộ diện tích như vậy chỉ có ở các dự án tại Hải Phòng, Đồng Nai. Và nếu tìm được, thì thời điểm hiện tại tôi chưa thể quyết định ngay được mà còn phải bàn bạc cùng gia đình".

Về phía các doanh nghiệp có sản phẩm trưng bày, hầu hết, họ cũng chưa thật kỳ vọng về các giao dịch thành công. Bởi lẽ, tới đây các doanh nghiệp cũng chỉ mong muốn giới thiệu các khách hàng biết đến dự án, còn các giao dịch thành công phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. "Tham gia hội chợ tôi chỉ mong giới thiệu cho khách hàng đến tham quan và biết đến dự án này" - ông Nguyễn Hữu Thông, giám đốc dự án Erico của Cty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp tại Đà Nẵng nói.