Ngày Khí tượng Thế giới 23/3/2023: Giật mình cảnh báo về thời tiết, khí hậu, nước

Như Hương (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Khí tượng Thế giới là sự kiện thường niên của Liên Hợp Quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 23/3 để ghi nhớ việc thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới vào ngày 23/3/1920.

Mỗi năm, tổ chức này công bố một chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới. Ngày này nêu bật những đóng góp của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội.

Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023 là “The Future of Weather, Climate and Water across Generations - tạm dịch là “Thời tiết, khí hậu và nước - Tương lai qua các thế hệ”.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Internet
Biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Internet

Do các vấn đề về biến đổi khí hậu, thời tiết, nhiệt độ và tài nguyên nước đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người phải đối mặt với các mối nguy hiểm gia tăng hơn bao giờ hết do sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường.

Năm nay, Ngày Khí tượng Thế giới sẽ được tổ chức với nhiều sự kiện khác nhau như hội nghị chuyên đề, hội nghị giữa các nhà lãnh đạo cộng đồng và triển lãm dành cho các chuyên gia khí tượng. Vào ngày này, nhiều giải thưởng được công bố cho các nghiên cứu về khí tượng. Những giải thưởng này gồm: Giải thưởng của Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO); Giải thưởng Giáo sư Tiến sĩ Vilho Vaisala; Giải thưởng Quốc tế Norbert Gerbier-Mumm.

Trong thông điệp về Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay, Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhấn mạnh, Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đây là dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO), tiền thân của WMO.

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Giật mình cảnh báo về thời tiết, khí hậu, nước. Ảnh: Internet
Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Giật mình cảnh báo về thời tiết, khí hậu, nước. Ảnh: Internet

Trong suốt 150 năm qua, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia đã thu thập và chuẩn hóa dữ liệu làm cơ sở cho dự báo thời tiết mà chúng ta đang thụ hưởng. Lịch sử trao đổi dữ liệu của WMO là một câu chuyện thành công về hợp tác trong khoa học bảo đảm an toàn tính mạng và sinh kế của người dân.

Thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay là “Tương lai của thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước qua các thế hệ”. Thông tin trên báo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á, đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, cho biết, để hưởng ứng thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới năm 2023, Việt Nam đưa ra chủ đề thiết thực. Đó là: "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau".

Chủ đề này nhằm phản ánh các vấn đề về tác động của biến đổi khí hậu đến biến động của thời tiết và tài nguyên nước đang diễn ra và ngày càng rõ rệt trên thế giới. Nhiều người phải đối mặt với các mối nguy hiểm gia tăng hơn bao giờ hết do sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường. Vì vậy, cần hành động ngay bây giờ để bảo đảm thế hệ tương lai có thể tồn tại và phát triển trên hành tinh.

Thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay là “Tương lai của thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước qua các thế hệ”. Ảnh: Internet.
Thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay là “Tương lai của thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước qua các thế hệ”. Ảnh: Internet.

Chia sẻ về ý nghĩa của chủ đề này trên báo Nhân dân, Giáo sư Trần Hồng Thái cho hay, chủ đề tuyên truyền của Việt Nam có ý nghĩa khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội. Đồng thời, đây là lời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng-thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Giáo sư Trần Hồng Thái cho hay, biến đổi khí hậu hiện đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tài nguyên nước ở Việt Nam.

Cụ thể, mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ, nắng nóng gay gắt hơn.Ảnh: Internet.
Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ, nắng nóng gay gắt hơn.Ảnh: Internet.

Có thể kể đến trận mưa đặc biệt lớn kéo dài 5 ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh. Năm 2019, đợt mưa lớn kỷ lục trong 8 ngày ở đảo Phú Quốc từ ngày 2/8 đến ngày 9/8 đã lên tới 1.158mm, chiếm 40% tổng lượng mưa năm.

Gần đây nhất, đợt mưa từ ngày 14-16/10/2022 tại Huế và Đà Nẵng, với lượng mưa ngày hơn 700mm ghi nhận tại Đà Nẵng, gây ngập úng nghiêm trọng.

Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ, nắng nóng gay gắt hơn. Ngày 20/4/2019, nhiệt độ quan trắc được tại trạm khí tượng Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,4 độ C, là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được quan trắc tại Việt Nam.

Chỉ trong khoảng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng (2015/2016 và 2019/2020). Ảnh: Internet.
Chỉ trong khoảng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng (2015/2016 và 2019/2020). Ảnh: Internet.

Chỉ trong khoảng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng (2015/2016 và 2019/2020). Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngành khí tượng-thủy văn thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Ngành thường xuyên giám sát các biểu hiện của biến đổi khí hậu, mà quan trọng nhất là các đợt thiên tai thông qua hoàn thiện thể chế, quản lý công tác quan trắc, dự báo và truyền tin. Mục tiêu chung là phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước.

 

Dưới đây là những cách để chúng ta quan tâm đến Ngày Khí tượng thế giới:

1. Dõi theo kênh thời tiết địa phương: Mỗi người nên biết thời tiết hàng ngày sẽ như thế nào tại nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, vào Ngày Khí tượng Thế giới, hãy tìm hiểu những người đưa ra những dự báo này. Nhà khí tượng học ở địa phương góp phần quan trọng trong cộng đồng.

2. Theo dõi lịch của WMO: Hàng năm, WMO tổ chức một cuộc thi ảnh và công bố những người chiến thắng. Các bức ảnh cho thấy thời tiết có thể tuyệt vời như thế nào. Lịch của WMO được cập nhật trên trang web của tổ chức này và có thể tải xuống miễn phí.

3. Giúp đỡ các tổ chức cứu trợ thiên tai: Những cảnh báo sớm có thể cứu sống rất nhiều người, nhưng thật không may, chúng không phải lúc nào cũng tồn tại. Bão có thể gây thiệt hại hàng triệu USD trong vài giờ và đôi khi quá trình phục hồi diễn ra chậm. Hãy liên lạc với Hội Chữ thập đỏ địa phương để tìm hiểu cách chúng ta có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn thông qua việc tình nguyện hoặc quyên góp.

(Nguồn: Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần