Trong quá trình ghi thông tin vào phiếu, thí sinh cần điền thật chính xác mã tỉnh thành, mã trường, mã ngành, tên ngành tương ứng mã ngành, tổ hợp môn xét tuyển. Số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ người nhận kết quả thi tốt nghiệp cũng phải thật chính xác.
Khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt buộc đăng ký trên bản giấy, còn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ có thể chọn 1 trong 2 phương thức đăng ký bằng giấy hoặc trực tuyến.
TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng phòng tuyển sinh, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội lưu ý: Thí sinh cần hiểu rõ nguyên tắc sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên về ngành học/trường học để ghi vào phiếu, nguyện vọng cao nhất ghi đầu tiên và theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Muốn điền hồ sơ chính xác, thí sinh nên truy cập vào website chính thức của trường muốn xét tuyển xem đề án tuyển sinh. Mặt khác, cần theo dõi chi tiết đề án tuyển sinh của các trường vì cùng một ngành học nhưng ở mỗi trường có thể có tổ hợp môn xét tuyển khác nhau.
Khi được cấp tài khoản, thí sinh nên đổi mật khẩu, lưu ý tính bảo mật và theo dõi thông tin suốt kỳ thi để cập nhật kết quả thi.
Khi điền thông tin đăng ký thi, sử dụng kết quả thi, thí sinh phải điền vào ô số 9 của phiếu đăng ký dự thi. Ngoài ra, cần ghi đúng môn ngoại ngữ mà mình học và đăng ký. Đánh dấu đúng bài thi tự chọn.
Trong phiếu đăng ký dự thi có mục 15 là mục miễn thi ngoại ngữ, chỉ áp dụng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ ở ngành nào có tổ hợp môn ngoại ngữ thì bắt buộc phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường.
Với chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần chú ý về thời hạn của chứng chỉ vì nếu quá hạn, chứng chỉ ngoại ngữ đó sẽ không được sử dụng.
Thông tin dùng để xét tuyển là quan trọng nhất, mục 17, 18, 19, thí sinh cần khai đầy đủ thông tin
Trước đó, từ ngày 19/4 đến 25/4, Bộ GD&ĐT đã mở hệ thống thử nghiệm đăng ký nguyện vọng trực tuyến để thí sinh tập dượt với mục đích sẽ hạn chế tối đa sai sót khi đăng ký nguyện vọng chính thức.