“Tôi nhớ hồi còn là sinh viên, tất nhiên hồi ấy chúng tôi không có điện thoại di động, máy tính nên tất cả sinh viên sẽ làm những tấm thiệp đặc biệt để tặng và chúc mừng các thầy cô giáo. Một số trường còn có các hoạt động hoán đổi, đó là cho phép một số học sinh lên đứng trên bục giảng giảng bài và giáo viên ngồi ở vị trí của học sinh. Ý tưởng này để khiến các giáo viên và học sinh xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn và cũng là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với các giáo viên”, ông Harish Parvathaneni nói.
Ông cho biết thêm, ngày nay, nhiều học sinh bày tỏ lòng biết ơn và tri ân tới các thầy cô giáo qua mạng xã hội và tất nhiên, mỗi trường đều tổ chức các buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo bằng các chương trình khác nhau.
“Ngoài ra, chúng tôi còn có cuộc thi chọn ra giáo viên giỏi nhất tại một thành phố hoặc một khu vực và được trao giải bởi chính quyền thành phố đó để ghi nhận những cống hiến của các giáo viên cho nền giáo dục nước nhà”, Đại sứ Ấn Độ nói.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Đại sứ Akif Ayhan, từ năm 1981, 100 năm sau ngày sinh của vị Tổng thống đầu tiên Mustafa Kemal Ataturk, nước này tổ chức Ngày Nhà giáo vào ngày 24/11 hằng năm.
Sinh thời, Tổng thống Kemal Ataturk luôn cho rằng thầy cô giáo có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo và hình thành thế hệ mới.
Ông Harish Parvathaneni, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Phúc Lâm |
Ngày 24/11/1928, Tổng thống Ataturk đã chính thức được trao tặng danh hiệu Nhà giáo quốc gia bởi năm đó, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một cuộc cải cách ngôn ngữ, trong đó chữ cái Ả-rập đã được loại bỏ để thay thế bằng chữ cái Latinh mà người Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ngày nay. Ngày đó, một chiến dịch học tập rất lớn đã được khởi xướng dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của ông Ataturk. Nhờ thành công của cuộc cải cách này mà Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ biết chữ tới 97%, một tỉ lệ cao nhất trong khu vực.
“Vào ngày 24/11 hằng năm, các buổi lễ kỷ niệm được tổ chức tại các trường học trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Thông thường vào ngày này, thầy cô giáo và các em học sinh sẽ cùng nhau hát bài “Teachers’ Anthem”, một bài hát nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các em học sinh sẽ đọc thơ hoặc gửi tặng các món quà đến các thầy cô giáo của mình”, Đại sứ Ayhan cho biết.
Ở đất nước này, giáo viên được coi là một nghề thiêng liêng, được xã hội tôn trọng. Bộ Giáo dục là một trong những bộ được phân bổ ngân sách cao nhất trong số các cơ quan của chính phủ.
Tại Trung Quốc, quốc gia này đã thống nhất chọn ngày 10/9 năm là Ngày Hiến chương Nhà giáo của mình. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc muốn chuyển ngày lễ này sang ngày 28/9 là ngày sinh của Khổng Tử.
Là một quốc gia phương Đông vốn có truyền thống coi trọng đạo lý “tôn sư trọng đạo”, vào ngày này, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ Trung Quốc thường đến viếng thăm các đền miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử...
Ngày Hiến chương Nhà giáo của Hàn Quốc là ngày 15/5. Các học sinh thường tặng thầy cô giáo của họ những bông hoa cẩm chướng để biểu hiện cho tình yêu và lòng tôn kính. Ngoài ra, cũng giống như ở Việt Nam, các cựu học sinh thường đến thăm hỏi và tặng những món quà đầy ý nghĩa cho thầy cô giáo cũ. Hầu hết học sinh được nghỉ học trong ngày lễ này.