Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12: Xét nghiệm HIV sớm để điều trị tốt nhất

Trần Nga (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020”, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay tổ chức nhiều hoạt động để người nhiễm HIV biết dự phòng và được điều trị tốt nhất.

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh đã trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề này.
Thưa ông, tại sao Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 Việt Nam lại chọn chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020”?

- Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau.

Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Do vậy, xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90 - 90 - 90 mà Việt Nam đang hướng tới.

Vậy, hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV ở Việt Nam thế nào?

- Tại Việt Nam, đến hết tháng 8/2017 đã có 121.399 người đang điều trị ARV trên tổng số khoảng 209.000 người sống chung với HIV chiếm 58,1%. Như vậy, Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỷ lệ chung toàn thế giới. Song song với việc tăng nhanh độ bao phủ số người nhiễm HIV được điều trị, Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia áp dụng các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới như: Áp dụng điều trị ngay ARV không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào TCD4; Áp dụng phác đồ B+ cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, tức là điều trị bằng ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngay sau khi phát hiện nhiễm, không phụ thuộc vào tuổi thai, số tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng; Điều trị ARV ngay cho cặp bạn tình dị nhiễm; Thực hiện đo tải lượng virus thường quy. Như vậy, mặc dù Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm đến việc chăm sóc, điều trị HIV ở điều kiện tốt nhất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tình trạng nhiễm HIV trong nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) đang có xu hướng tăng, vậy Việt Nam đã có các biện pháp can thiệp dự phòng nào với nhóm này?

- Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu để ước tính số lượng MSM ở Việt Nam. Song, theo báo cáo Giám sát hành vi lồng ghép với các chỉ số sinh học từ năm 2011 đến 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể MSM tăng nhanh, từ 5,2% năm 2011 đến 8% năm 2014 và 8,2% năm 2016. MSM ngày càng có thêm các hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm HIV do tỷ lệ dùng bao cao su trong quan hệ tình dục đồng giới giảm, tỷ lệ MSM sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhưng tỷ lệ MSM xét nghiệm HIV và biết kết quả trong 12 tháng qua thấp. Như vậy, còn tỷ lệ lớn MSM chưa đủ kiến thức và vật dụng dự phòng lây nhiễm HIV.

Để giảm thiểu tình trạng này, ngành y tế đã có nhiều hoạt động và mô hình can thiệp cho nhóm này từ truyền thông, tư vấn xét nghiệm dựa vào cộng đồng, cấp phát bao cao su, chất bôi trơn và thí điểm điều trị trước phơi nhiễm cho nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên có thể nói MSM vẫn là nhóm khó tiếp cận do đặc thù là nhóm quần thể ẩn, do các tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa, kỳ thị và phân biệt đối xử... đang là các trở ngại cho người quản lý thiết kế các chương trình cũng như rào cản để MSM tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Việt Nam đang triển khai một số biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mới như dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Ông có thể nói rõ hơn về biện pháp này?

- PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao được thế giới y học khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine phòng HIV nhưng là một cách đơn giản nhất giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới.

Hiện nay, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có kế hoạch triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM trong gói dự phòng HIV kết hợp tại TP Hồ Chí Minh, bao gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV thường xuyên, theo dõi lâm sàng, và khuyến khích sử dụng bao cao su và chất bôi trơn. Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam. Từ đó giúp Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn quốc gia đối với can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất để tránh lây nhiễm HIV cần thực hiện các biện pháp an toàn trong tiêm chích và quan hệ tình dục. PrEP không phải là thần dược, nó chỉ là một biện pháp tình thế rất quan trọng và có hiệu lực khi chưa phát minh được vaccine chống HIV.
 Tư vấn điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Hà Nội. Ảnh: Hà Ngân

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lây truyền từ mẹ sang con là 1 trong 3 đường lây truyền của căn bệnh “thế kỷ”. Theo nghiên cứu, nếu phụ nữ nhiễm HIV được điều trị đúng phác đồ trong thời kỳ mang thai và lúc sinh; đứa trẻ sinh ra được dùng thuốc điều trị HIV trong 4 - 6 tuần thì nguy cơ lây truyền mẹ - con có thể được giảm xuống còn 1% hoặc thấp hơn.

Với mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ những bà mẹ mang thai nhiễm HIV truyền sang, Bộ Y tế đã áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới là điều trị ngay ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Theo đó, những phụ nữ mang thai khi được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ngay bằng phác đồ 3 thuốc và tiếp tục điều trị suốt đời. Các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên của virus HIV, từ đó làm giảm số lượng HIV trong cơ thể người mẹ, giảm nguy cơ truyền virus sang con, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ. Một số loại thuốc điều trị HIV có thể đi qua nhau thai và giúp bảo vệ thai nhi tránh bị nhiễm HIV, đặc biệt khi thai nhi đi qua đường âm đạo trong sinh thường và phơi nhiễm với máu hoặc dịch tiết của người mẹ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị thuốc kháng HIV từ lúc sinh cho đến 4 - 6 tuần tùy phác đồ nhằm giảm nguy cơ trẻ bị nhiễm HIV do sự phơi nhiễm trong quá trình sinh.

Tốt nhất, trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai, phụ nữ nên được xét nghiệm sàng lọc HIV càng sớm càng tốt. Đối với phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn để điều trị dự phòng kịp thời.

Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Đỗ Hữu Thủy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần