Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11: "Tuổi trẻ và tổ quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 với chủ đề "Tuổi trẻ và Tổ quốc" sẽ được tổ chức từ 22 - 24/2 (tức ngày 13, 14, 15 tháng Giêng). Sáng 1/2, Ban tổ chức đã họp bàn lần cuối để thông qua các chương trình trong ngày hội của những người yêu thơ này.

Vượt chướng ngại vật

Những lùm xùm quanh chuyện nhà văn Y Ban và Nguyễn Ngọc Cảnh Nam từ chối bằng khen chưa qua, thì Hội Nhà văn Việt Nam lại phải tất tả trước những nảy sinh mới trong việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11. Theo BTC, ngày 25/2 (tức 16 tháng Giêng), Văn Miếu - Quốc Tử giám đón bằng Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt, nên toàn bộ khu trước Khuê Văn Các gần như không được sử dụng. Hơn nữa, kinh phí năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái nên việc chi tiêu cũng rất hạn chế. Song nhà thơ Hữu Thỉnh, Trưởng BTC khẳng định, ngày thơ năm nay sẽ được tổ chức trang nhã, mang hồn dân tộc. Do đó, hạn chế những biển, bảng to, lụa và đèn là vật trang trí phù hợp.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11: "Tuổi trẻ và tổ quốc - Ảnh 1

Tính đến thời điểm hiện tại có 9 trường đại học chắc chắn tham dự Ngày thơ 2013 là ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, HV Cảnh sát, HV Phòng không - Không quân, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội I, ĐH KHXH&NV, ĐH Bách Khoa, HV Báo chí và Tuyên truyền và ĐH Đại Nam. Trong đó, ĐH KHXH&NV và Bách Khoa hứa hẹn có những màn trình diễn thơ đọc đáo, cùng các gian hàng hoành tráng. Nhưng hầu hết những bài thơ các trường gửi lên tham dự có chất lượng không cao, khiến BTC khó trong việc tuyển chọn. Rõ ràng, nếu chất lượng thơ không đảm bảo sẽ không tránh khỏi những ì xèo về chuyện "nghiệp dư hóa" thơ ca. Ngay cả việc chọn thành viên Ban giám khảo (BGK) cũng được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Trước đó, danh sách BGK gồm 9 người: Nhà thơ hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Đức, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Hữu Quý, Vũ Quần Phương, Đỗ Trung Lai. Trong buổi họp, lại bổ sung nhà thơ Hữu Việt do BGK chưa có thành viên của Ban Nhà văn trẻ. Tuy nhiên, số thành viên BGK chẵn (10 người) lại gây khó cho công tác chấm điểm.

Không có chỗ cho nỗi buồn

Ngày 4/2, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2012 sẽ có buổi họp báo chính thức công bố những thông tin liên quan. Đồng thời, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đưa ra quan điểm liên quan đến việc hai nhà văn từ chối nhận Bằng khen của Hội.

Ngày thơ 2013 được kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn với hai sân thơ Truyền thống và Trẻ mà lực lượng nòng cốt là sinh viên của 9 trường ĐH.  Bên cạnh đó là những bài thơ về chủ đề Tổ quốc, biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, những bài thơ về tình yêu đôi lứa, nỗi buồn con người… không có chỗ trong dịp này. Một trong những điểm nhấn của Ngày thơ 2013 là triển lãm 70 năm Văn hóa cứu quốc. Bảo tàng Văn học - Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chọn lựa những hình ảnh, hiện vật, tác phẩm, tượng chân dung của 18 nhà văn trong thời kỳ này là Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Học Phi, Tô Hoài... để trưng bày và triển lãm tại "mùa thơ". Cùng với đó, nhiều văn bản thời kỳ văn hóa cứu quốc cũng sẽ được công bố và trưng bày trong suốt thời gian diễn ra Ngày thơ, trong đó phải kể đến bản Đề cương văn hóa (năm 1943). Chương trình thi sáng tác và biểu diễn thơ của các cây bút trẻ học đường sẽ diễn ra vào tối 13 và 14 tháng Giêng. Ngày 14 là hoạt động của các câu lạc bộ thơ. Những tiết mục đoạt giải cao của các trường sẽ được lựa chọn để trình diễn trong lễ khai mạc Ngày thơ vào sáng Rằm tháng Giêng.