Sự thách thức của thời tiết như tâm trạng của người làm thơ, loay hoay đi tìm độc giả của riêng mình.
Mới mẻ nhưng chờ… vui
Không đóng khung tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám như 20 lần tổ chức trước đây. Ngày thơ Việt Nam năm 2023 được dịch chuyển đến khu trước cửa Đoan Môn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long để những người có nghề về sáng tác thơ và gắn với các biệt danh “phù thủy sân khấu” như đạo diễn Lê Quý Dương, họa sĩ Phạm Hà Hải, Lê Đình Nguyên được thỏa sức sáng tạo. Họ đã cùng những người đứng mũi chịu sào tại Hội Nhà văn Việt Nam tạo ra các không gian rất riêng như: Đường thơ, Đường sách, Quán thơ, Nhà ký ức…
Đèn lồng, cờ hội mang theo bao hoài bão, ước vọng về thơ mời chào độc giả bước vào hành trình của Ngày thơ Việt Nam, mà ở đó 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam dẫn đường. Điểm bắt đầu đó ghi dấu ấn bởi chiếc cổng mang tính cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải. Từ Đường thơ, độc giả có thể rẽ sang không gian của Nhà ký ức hay Quán thơ, Đường sách… đều mang những phong cách và dấu ấn riêng trong thiết kế.
Thay vì chỉ trưng bày những cuốn sách quý, ra đời cách đây gần một thế kỷ như tác phẩm “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố, “Đất chuyền” của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, tập thơ “Gửi người mai sau”...; hay hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam như đồ dùng cá nhân, tài liệu, tập thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Giang Nam, Lưu Trọng Lư... tại Bảo tàng Văn học; thì năm nay Ban Tổ chức (BTC) đã đưa bộ sưu tập đến với không gian mở của Ngày thơ Việt Nam.
Hoặc tại khu vực Đường sách đã có sự tuyển chọn kỹ càng các đầu sách mang vào, rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, nhiều cuốn sách mang tính sáng tạo như: Lịch sử Việt qua thơ… được bày bán; khác hẳn với các quầy sách thập cẩm đầu sách ở Ngày thơ của một vài năm trước. Nhưng tiếc rằng, có lẽ chính sự mong mỏi ngày hội này phải có sự tinh tế, dành cho các sân thơ chuyên nghiệp nên BTC không dành không gian cho các CLB thơ ở các tỉnh, thành. Ngày thơ thành ra kén người dự hội.
Độc giả đến tham dự Ngày thơ Việt chủ yếu vẫn chỉ là giới văn chương, với những gương mặt quen thuộc như: Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Linh Khiếu, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật… Một vài chuyến xe ô tô chở đầy các học sinh ghé qua nơi này, nhưng theo lời của một em học sinh đến từ Bắc Giang thì lịch trình của họ là đến thăm di tích nên tiện thể ghé chụp ảnh tại không gian thơ.
Tất nhiên rằng, với Hội Nhà văn thì tâm điểm khai mạc của Ngày thơ năm nay vào đúng đêm Rằm tháng Giêng (đêm 5/2 Dương lịch), chứ không phải diễn ra vào buổi sáng như mọi năm. Ở sân khấu ấy không có khoảng cách của sân thơ trẻ, sân thơ truyền thống như mọi năm, mà là 21 bài thơ đại diện cho 21 lần tổ chức của Ngày thơ Việt Nam. Thế nhưng, đêm hội đó cũng dễ chỉ thu hút người làm thơ chứ chưa thể đủ hấp dẫn người yêu thơ.
“Nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân lên bàn đàm luận
Trong khuôn khổ của Ngày thơ Việt Nam, BTC đã mở ra một cuộc đàm đạo cùng nhau bàn về “Thơ hiện nay với hôm nay” với rất nhiều điều trăn trở của người làm thơ.
Nhà biên kịch, nhà thơ Nguyễn Hiếu tếu táo bày tỏ độc giả sợ thơ nên còn trêu vui nhau thế này: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”, hoặc câu diễu cửa miệng “đề nghị vào nhà bỏ giày, dép và thơ ở ngoài”. Nguyên nhân của sự việc này theo nhà thơ Trần Anh Thái: Đội ngũ làm thơ rất đông, không phải chục ngàn mà vài chục ngàn người.
Người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay thơ dở. Các giá trị thật, giả, đúng, sai đang bị đánh tráo, giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Nhiều người còn ví von cuộc thi thơ hiện nay tràn lan như thi hoa hậu. Có nhà thơ đổ lỗi cho việc cấp phép của Bộ VHTT&DL hoặc việc quản lý thiếu chặt chẽ để những xưng danh “nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân xuất hiện.
Tuy nhiên, thơ thiếu sức hút không thể đổ lỗi cho độc giả. Nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng: “Bạn đọc thì muôn năm vẫn thế. Thấy hay, thấy thích thì vui. Không hay, không thích bỏ đi tìm sân chơi khác, vô thưởng vô phạt, chẳng tội lỗi cũng chẳng sai trái gì. Lỗi không thuộc bạn đọc thì lẽ đương nhiên phải thuộc về nhà thơ. Nói rộng hơn nữa là cả những người làm công việc liên quan đến thơ như các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản xuất bản thơ, các nhà quản lý về văn hóa nghệ thuật, rồi cơ chế, chính sách cũng góp phần dẫn đến cái hay, cái dở của thơ”.