Ngày thứ 2 xét xử phúc thẩm vụ khởi tố xong 14 năm mới xử: Luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội) theo đơn kháng cáo kêu oan của hai bị cáo là anh em ruột Quản Đắc Quý (SN 1981) và Quản Đắc Thúy (1979) tiếp tục với phần tranh luận. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho hai bị cáo đã đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm.

Theo luật sư Lê Văn Kiên, các cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức đã vi phạm nghiêm trọng các thủ tục về tố tụng nên bản án sơ thẩm mang đến sự bất công đối với các bị cáo. Vì vậy, vụ án bị kéo dài 14 năm mới xét xử sơ thẩm. Điều này đã bất chấp tất cả thời hạn điều tra vụ án. Nếu giả sử các bị cáo có tội, đến thời điểm này đã chấp hành xong hình phạt. Đây là lỗi của các cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức.
 
Từ đó, luật sư Kiên đề nghị cần phải xem xét và thực nghiệm điều tra vụ án để làm rõ các tình tiết của vụ án. Tại tòa, tất cả nhân chứng đều xác định bị hại Của tự ngã. Tuy nhiên, điều này không được đại diện VKS ghi nhận trong khi đưa ra quan điểm giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra không thực hiện đủ các biên bản đối chất và có rất nhiều nhân chứng khai rất mấu thuẫn nhưng không được làm sáng tỏ. Kết luận giám định pháp y về hình thức có sự mâu thuẫn về chiều cao của người được giám định…
Còn luật sư Đào Thị Liên nêu quan điểm, trong 14 năm đã có 22 quyết định yêu cầu điều tra lại và 13 bản kết luận điều tra. Có một số lời khai của nhân chứng đều khai bất lợi cho các hai bị cáo. Tuy nhiên, trong các lời khai này đều không đồng nhất và mâu thuẫn trong chính lời khai của các nhân chứng. Đối với bản kết luận giám định, hồ sơ chuyển qua giám định là bản gốc bệnh án không có. Trong vụ án này còn xuất hiện những điều bất thường trong hồ sơ vụ án như: bị hại được xác định bị thương tích 34,16% nhưng chỉ điều trị trong hai ngày; giấy chứng nhận thương tích ngày ra viện sớm hơn ngày vào viện; vấn đề áp dụng tỷ lệ thương tích… Từ những phân tích này, luật sư Liên đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm.
Tiếp đó, khi bào chữa cho hai bị cáo, luật sư Tuấn phân tích, lời khai của bị hại mâu thuẫn với lời khai của các nhân chứng. Theo lời khai nhân chứng khi đến sơ cứu tại trạm xá xã thì bị hại hoàn toàn tỉnh táo. Trong nhóm nhân chứng không có lợi cho bị cáo không có mặt tại phiên tòa và có mặt thì đều khai không nhớ gì. Những lời khai của nhóm nhân chứng này lại hoàn toàn ngược lại với các nhân chứng độc lập có mặt tại phiên tòa. Bản giám định pháp ý có nội dung không đúng dẫn đến gây bất lợi cho các bị cáo. Việc đánh giá chứng cứ của cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức hoàn toàn sai dẫn đến xác định sai sự thật khách quan của vụ án. Từ những căn cứ này, luật sư Tuấn cũng đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án.
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Thiệp (bảo vệ cho bị hại Của) cho rằng, lời khai của các nhân chứng tại tòa chỉ mang tính chất tham khỏa do thời gian xảy ra quá dài. Đồng thời, trong vụ án này chưa làm sáng tỏ được ai là người thực hiện hành vi, hành vi đó xảy ra như thế nào và ai là người chịu trách nhiệm? Ngoài ra, trong vụ án này có vấn đề quan trọng bỏ qua khi có hai nạn nhân nhưng ai là người gây ra thì chưa được làm rõ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu không chứng minh được hành vi của các bị cáo và làm sáng tỏ vụ án thì phải xem xét khách quan nhất đối với hai bị cáo.
Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, đây là vụ án có tính chất phức tạp. Các bị cáo liên tục thay đổi lời khai nên gây khó khăn cho quá trình điều tra và dẫn đến kéo dài vụ án. VKS cho rằng, quá trình điều tra có vi phạm vì kéo dài quá thời hiệu quy định. Trong vụ án này, có nhiều nhân chứng có quan hệ họ hàng của bị hại và bị cáo. Việc cho rằng nhân chứng có quan hệ họ hàng nên khai bất lợi cho bị cáo là không có cơ sở. Để cho rằng khách quan hay không cần căn cứ vào hồ sơ có trong vụ án và các tài liệu khác thu thập được.
Đối với việc các bị cáo cho rằng không có tội, VKS cho rằng, lời khai của bị hại và nhân chứng đều khẳng định các bị cáo đều có mặt tại hiện trường. Tại tòa, lời khai nhân chứng cho rằng các bị cáo không có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, VKS cho biết, khi xảy ra sự việc các nhân chứng này chỉ chứng kiến một phần vụ án và mỗi người có góc độ tiếp cận khác nhau nên không thể phản ánh toàn bộ sự thật khách quan.
Đối với quan điểm của các luật sư cho rằng việc giám định chưa phù hợp và không khách quan là không đúng. Bở, nội dung giám định pháp ý đều đúng quy định pháp luật và khách quan. Việc nhầm ngày không làm thay đổi sự thật khách quan đến vụ án…
Theo dự kiến, 8 giờ ngày mai (21/12), HĐXX sẽ tuyên án.