Một thế hệ mới ra đời mà người ta thậm chí còn sẵn sàng tôn vinh họ như “Thế hệ Vàng” thứ hai của BĐVN. Và thực tế, nhiều người trong số này về sau cũng đã góp phần hoàn tất giấc mơ vàng Đông Nam Á (ĐNA) tại AFF Cup 2008.
Dấu ấn Alfred Riedl
Trong thành công của U23 VN tại SEA Games 22, phải ghi nhận dấu ấn rất rõ nét của HLV Alfred Riedl. Bởi trước khi HLV người Áo trở lại, đã có lúc U23 Việt Nam bị coi là một tập thể yếu kém, hoàn toàn không có triển vọng tại kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức trên sân nhà.
Đấy là năm 2002 khi dưới sự dẫn dắt của HLV Letard, U23 Việt Nam có một giải đấu đáng thất vọng tại LG Cup. Thất bại thảm hại năm ấy khiến HLV Letard phải ra đi còn nhiều người tin rằng cơ hội giành huy chương tại SEA Games 22 trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Chiến dịch tìm HLV cho U23 Việt Nam bắt đầu và Alfred Riedl được chọn. Trước đó, BHL nội mà đặc biệt là HLV Nguyễn Thành Vinh cũng đã chung sức tạo nên một tập thể ra dáng … đội bóng hơn. Nhưng dưới bàn tay Alfred Riedl, U23 Việt Nam mới thực sự lột xác.
Tất cả bắt đầu bằng chức vô địch LG Cup 2003 tại TPHCM. Kế tiếp đó là cơn địa chấn lịch sử khi U23 Việt Nam hạ gục Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup 2004. Niềm tin được nhen nhóm và ai cũng biết công đầu thuộc về Alfred Riedl.
Hay nhưng … không may
Phải thừa nhận U23 Việt Nam dự SEA Games 22 chính là lứa cầu thủ tài năng nhất mà BĐVN có được trong khoảng chục năm trở lại đây. Tiếc rằng, họ đã không may nên đành nhìn giấc mơ vàng tan biến.
Sự không may thể hiện ngay từ khâu chuẩn bị khi đội trưởng Như Thành bị loại khỏi ĐT U23 vì một nghi án tại JVC Cup. Thời gian đã cận kề nên HLV Alfred Riedl đành dùng giải pháp thay thế là Duy Hoàng. Cũng may, Duy Hoàng không nổi bật nhưng anh cũng chơi ở mức tròn vai tại giải đấu năm ấy.
SEA Games 22 khởi đầu có thể nói là mỹ mãn với U23 Việt Nam khi xuất sắc cầm chân ĐKVĐ Thái Lan trong thế dẫn bàn trước (Văn Quyến). Tiếp theo là chiến thắng nhẹ nhàng 1-0 trước Indonesia nhờ pha dứt điểm đúng thương hiệu Thanh Bình. Cánh cửa bán kết đã mở toang và chiến thắng sau đó trước Lào (1-0) chỉ để hoàn thành thủ tục.
Trận bán kết chính là đỉnh cao của U23 Việt Nam tại SEA Games 22. Một trận đấu có thể nói là nghẹt thở khi U23 Việt Nam đã dẫn trước 3-1 nhưng lại bất ngờ bị gỡ 3-3, trong đó có một bàn thắng đến từ cú phát bóng của thủ môn Syamsuri (Malaysia) do Thế Anh đã lên quá cao. Đúng vào lúc tưởng như khó khăn nhất, Thanh Bình lại tỏa sáng bằng cú đánh đầu lái bóng hoàn hảo, ấn định chiến thắng 4-3. Sau trận bán kết đó, HLV Alan Harris (Malaysia) phải thừa nhận đây là một trong những trận đấu hay nhất và kỳ lạ nhất mà ông từng được chứng kiến.
Hừng hực khí thế sau khi vượt qua Malaysia, U23 Việt Nam vào chung kết gặp lại Thái Lan với niềm tin lên cao tột đỉnh. Ngay cả khi bị dẫn 0-1 sau bàn thắng của Sarayoot (bắt nguồn từ sai lầm của Đức Tuấn), U23 Việt Nam vẫn rất tự tin. Quốc Vượng bị thẻ đỏ, U23 Việt Nam vẫn tấn công. Và bàn gỡ đến ở phút 90 sau cú vô - lê đập đất của Văn Quyến. Tiếc là sau đó, Phanrit lại ấn định tỉ số 2-1 cho Thái Lan ở hiệp phụ. Giấc mơ vàng tan biến và cái cách thua ở trận chung kết ấy cũng thể hiện rõ sự đen đủi của U23 Việt Nam bởi cả hai bàn thua đều xuất phát từ cánh trái, nơi Văn Trương (hậu vệ số Một) để lại vì án treo giò.
Không thể lên ngôi ở SEA Games 22 nhưng phải thừa nhận rằng U23 Việt Nam đã làm hài lòng người hâm mộ khi trình diện một thế hệ tài năng. Phần lớn trong số họ đều trở thành các trụ cột của ĐTVN sau này, trong đó Hồng Sơn, Quang Huy, Minh Phương, Tài Em, Thanh Bình, Công Vinh là những người góp mặt trong chiến dịch giành vàng AFF Cup 2008.
Danh sách U23 VN dự SEA Games 22
Thủ môn (3): Quang Huy, Thế Anh, Hồng Sơn
Hậu vệ (7): Huy Hoàng, Duy Hoàng, Văn Trương, Lâm Tấn, Đức Tuấn, Hải Nam, Minh Phương
Tiền vệ (6): Hữu Thắng, Quốc Vượng, Thanh Phương, Tài Em, Tuấn Phong, Như Thuật
Tiền đạo (4): Văn Quyến, Thanh Bình, Công Vinh, Phúc Lâm