Ngày trở về

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trở lại cố hương sau hơn 20 năm xa cách, danh ca Kiều Hưng - giọng ca được mệnh danh là "Hoàng tử tình ca" của âm nhạc Việt Nam những năm 1950 - 1960, mang đầy ký ức của những năm tháng xưa cùng những bài hát đã đi vào lòng người Việt.

Thưa nghệ sĩ Kiều Hưng, lần trở về này của ông so với những lần trước có gì khác biệt?

- Nếu như những lần trước tôi trở về chỉ thăm gia đình, người thân và tổ chức giao lưu với người hâm mộ, thì lần này tôi có cơ hội để đứng trên sân khấu nước nhà, hát về những ca khúc đã và đang được mọi người yêu mến, điều đó khiến tôi cảm thấy mình khỏe hơn rất nhiều.

Hẳn khán giả sẽ rất ngỡ ngàng khi biết ông đến với âm nhạc bằng buổi đầu là một người hát bè trong nhóm hát?

- Thực ra, khi được nhận vào Đoàn ca múa Nhân dân T.Ư (nay là Đoàn ca múa nhạc T.Ư), tôi chỉ là hợp xướng viên kiêm đánh giày và là quần áo cho diễn viên của đoàn. Khi nghe anh Vũ Chất (ca sĩ chính của Đoàn) tập luyện "Bài ca trên núi", tôi thấy thích nên những lúc làm việc sau hậu trường cứ tập hát theo. Khi nghe tôi hát, anh nhạc sĩ trong đoàn hỏi: "Kiều Hưng hát đấy à?", và anh ấy dẫn tôi lên gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tôi hát thử, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nghe xong gật đầu bảo: "Kiều Hưng hát hay lắm, rất đúng với chất dân ca Mông" và tôi được lựa chọn hát ca khúc này cho bộ phim "Vợ chồng A Phủ". Tuy nhiên, vì lời bài hát ngắn quá nên tôi viết thêm lời hai và lời ba. Khi phim "Vợ chồng A Phủ" công chiếu ở Rạp tháng Tám, tôi ngồi cạnh nhạc sĩ La Thăng, nghe xong bài hát chủ đề, anh Thăng hỏi "Không biết thằng nào hát bài này mà hay thế", tôi ngồi bên cạnh bảo: "Em hát anh ạ", anh Thăng rất bất ngờ. Sau đó, bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, khán giả gửi thư về khen ngợi. Tôi được yêu mến từ đó và cũng sau bài hát này, tôi được hát đơn ca.
Ngày trở về - Ảnh 1
Sau thành công của "Bài ca trên núi", cái tên Kiều Hưng bắt đầu định hình trong lòng khán giả, để từ đó một loạt những bản tình ca qua giọng ca của ông được yêu mến và danh xưng "Hoàng tử tình ca" cũng được hình thành từ giai đoạn này. Sau gần 20 năm, ông trở lại sân khấu Việt Nam hát lại "Bài ca trên núi", cảm xúc của ông thế nào?

- Hơn 50 năm hát lại ca khúc đã góp phần làm nên tên tuổi mình, cảm xúc vẫn không khác xưa là mấy, vẫn run rẩy khi bước lên sân khấu, nhưng nếu ngày xưa run vì ngại ngùng thì bây giờ lại run vì tình yêu của mọi người dành cho mình. Thực lòng mà nói, thì sau cơn bạo bệnh cộng với tuổi già, sức khỏe tôi cũng yếu và giọng hát thì không còn ngọt ngào như xưa, thế nhưng khán giả vẫn yêu mến và cổ vũ nhiệt tình, điều đó khiến tôi rất xúc động. Chính những tình cảm ấy là động lực để tôi cố gắng cống hiến hết mình cho khán giả quê nhà và quên đi bệnh tật mà mình đang mang trong người. 

Mới đây, tôi thấy ông còn hát chung với nhóm nhạc trẻ Dòng thời gian, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ… Ông có hay nghe các ca sĩ trẻ trong nước hát không? Ông đánh giá thế nào về thế hệ trẻ?

- Một vài lần trở về nước, tham gia một số chương trình và nghe một số bạn hát, tôi đánh giá cao giọng ca của họ. Ví như Anh Thơ, Trọng Tấn, Mỹ Tâm hay Quang Dũng… mà tôi có dịp được làm việc chung vừa rồi, tôi thấy các bạn ấy thực sự rất tài năng. Ngoài giọng hát trời phú thì phong cách biểu diễn tốt cộng với thái độ làm việc chuyên nghiệp là điều tôi nhận thấy rất rõ ở các bạn ấy.

Cá nhân ông cũng ý thức được rằng, giọng ca không còn ngọt ngào như xưa, vậy ông có lo việc trở lại sân khấu hát ở thời điểm này sẽ làm mất đi hình ảnh của một "hoàng tử hát tình ca" trong lòng khán giả yêu nhạc không?

- Ở tuổi tôi bây giờ, việc được Ban tổ chức các chương trình ca nhạc lớn mời hát đã thực sự là một niềm vui vô cùng lớn. Và tôi cũng biết rằng vì sự yêu mến của mọi người mà tôi mới có được những cơ hội ấy. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, vì tình yêu của khán giả tôi sẽ cố gắng hát đến những hơi thở cuối cùng. Việc bước lên sân khấu và hát ở tuổi này là cách tôi tri ân những khán giả yêu quý mình. Tôi tin rằng, khi người nghệ sĩ hát bằng cả trái tim thì chắc chắn sẽ chạm đến trái tim khán giả.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ!