Ngày xuân “Ngồi tựa mạn thuyền”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngồi tựa mạn thuyền” là một bài Quan họ tả tình tả cảnh đặc sắc, chứa đựng một số thủ pháp nghệ thuật độc đáo, có tính hiện đại.

Dòng sông Tương xa xưa ở vùng Kinh Bắc, gắn với mối tình của đôi trai gái Trương Chi và Mỵ Nương “Người thì thật xấu, hát thì thật hay”. Trên những khúc sông của Tương Giang thơ mộng ấy đã từng là nơi hội tụ cho các chàng trai, cô gái vùng quan họ gặp gỡ và ca hát trong những ngày hội xuân.

Hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tác truyền miệng những ca khúc trữ tình, hoặc mượn các hình ảnh dòng sông, bến nước, con thuyền để nói lên nỗi lòng của người quan họ.
Ngày xuân “Ngồi tựa mạn thuyền” - Ảnh 1
(Ngồi rằng) ngồi tựa mạn thuyền/ Giăng in mặt nước càng nhìn (non nước) càng xinh/ (Sơn rằng) sơn thủy hữu tình/ Thơ ngâm ngoài lá rượu bình (giải trí) trong khoang/ (Tay rằng) tay dạo cung đàn/ Tiếng tơ tiếng trúc bỗng trầm (năn nỉ) thiết tha/ Làm trai chơi chốn Cầu Hà.
Người quan họ xưa đã cảm thụ được giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên. Thiên nhiên dù khắc nghiệt nhưng thiên nhiên cũng đầy ưu ái. Với con mắt của người nghệ sĩ thì "Trăng in mặt nước càng nhìn non nước càng xinh". Lời ca đã được chắt lọc mang sức gợi cảm, đồng thời càng thêm uyển chuyển, nhịp nhàng khi được kết hợp với giai điệu âm nhạc "Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang. Tay dạo cung đàn, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng trầm năn nỉ thiết tha".

Hát quan họ trên thuyền thì tốp nam ngồi một thuyền, nữ ngồi thuyền khác, khách đi dự hội muốn thưởng thức quan họ đứng ở trên bờ. Hai thuyền chở hai tốp quan họ nam nữ đi sóng đôi quanh hồ và hát đối đáp với nhau những bài ca đậm đà tình nghĩa. Bây giờ nhiều nơi “đơn giản hóa” chỉ dùng một thuyền chở cả nam lẫn nữ cùng hát với nhau.

Bài hát "Ngồi tựa mạn thuyền”, trải qua nhiều thế hệ nghệ sĩ, quan họ truyền lại tới ngày nay đã được gọt giữa hoàn chỉnh về lời ca và âm nhạc. Tất nhiên, ở mỗi bài ca, chúng ta cũng có thể thấy ở từng làng quan họ có cách hát khác nhau, song, nhìn chung, vẫn giữ được cốt lõi của nó.

Với "Ngồi tựa mạn thuyền", các tác giả dân gian đã sử dụng thủ pháp dùng tiếng đệm, lời đệm để phát triển âm nhạc. Giai điệu có nhiều nốt luyến, láy và tô điểm đường nét uốn lượn theo hình làn sóng, tạo cho người nghe một cảm giác bồng bềnh, êm dịu, gợi lên một khung cảnh êm đềm trên mặt nước.

Trong Hội diễn dân ca dân nhạc toàn miền Bắc lần thứ nhất tổ chức năm 1962 tại thị xã Bắc Ninh, chị Ngỏ (sau này vào Văn công đổi tên là Hồng Vân), một thiếu nữ xinh đẹp trẻ trung ở làng Ngang Nội, với y phục thôn dã nền nã, đã biểu diễn bài hát này rất có duyên, do cụ Nguyễn Khắc Tâm cùng làng hướng dẫn.

Tiết mục của chị được Ban giám khảo (do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng ban) đánh giá cao và quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh, khiến cô phải ra sân khấu để hát lại và chào đáp lễ. Bài “Ngồi tựa mạn thuyền” từ đó càng ngày càng được nhiều người biết đến và phổ biến rộng rãi qua sóng của Đài Tiếng nói Việt nam.

Tuy nhiên, người ta biết đến bài “Ngồi tựa mạn thuyền” với dạng hát đơn như cách hát của cụ Tâm và chị Ngỏ (đã được in ở nhiều tập dân ca), trong đó câu "Ngồi rằng ngồi tựa mạn thuyền là ngồi tựa mạn thuyền" chỉ được hát một lần.

Sang đầu năm 70, với sự sáng tạo của cụ Nguyễn Đức Xôi cũng quê ở làng Ngang Nội, qua tiếng hát của diễn viên Đoàn dân ca Quan họ, công chúng mới biết đến bài dân ca này theo dạng hát kép, trong đó câu "Ngồi rằng ngồi tựa mạn thuyền" được hát lặp lại, lần hát sau có giai điệu biến hóa cao hơn lần hát trước.

Lề lối hát Quan họ chính quy gồm ba chặng: chặng mở đầu là giọng cổ, chặng giữa là giọng vặt, chặng cuối là giọng giã (giã bạn), được hát khi các "liền anh, liền chị" sắp sửa chia tay.

Bài “Ngồi tựa mạn thuyền” thuộc giọng vặt được hát vào chặng giữa. Các "liền anh, liền chị" phải hát đối giọng. Khi hát đối giọng, bên nữ hoặc bên nam hát trước một bài Quan họ, bên kia phải hát đối lại bằng một bài Quan họ khác lời ca nhưng cùng âm điệu. Bài đối của "Ngồi tựa mạn thuyền" là “Ngồi tựa song đào”:

(Ngồi rằng) ngồi tựa song đào/ Hỏi người tri kỷ rao vào  (có thấy) vấn vương/ (Gió rằng) gió lạnh đêm trường/ Nửa chăn cửa chiếu nửa giường (để đó) đợi ai/ (Ngắt rằng) ngắt nhị huê nhài/ Tay giơ đón gió tay chòi (đón gió) gheo giăng/ Rùi may bởi tại chị Hằng.

Ở bài “Ngồi tựa mạn thuyền”, những nghệ sĩ dân gian đã sáng tạo một kiểu ngắt câu đột ngột khác thường, nét nhạc được ngắt ra sau tiếng mạn. Người nghe hát lấy làm lạ lùng, chưa hiểu được ngồi tựa mạn có nghĩa là gì?

Tác giả dân gian bắt người nghe phải chờ đợi vài giây đồng hồ yên lặng, lại nghe tiếp mấy tiếng đệm ôi a a, rồi mới được nghe đến tiếng thuyền. Thì ra là: ngồi tựa mạn thuyền. Người nghe tưởng rằng câu hát đã trọn vẹn, ắt sẽ được ngừng lại sau tiếng thuyền. Nhưng không, lại bất ngờ, câu hát chưa dừng, mà tiếp luôn: "là ngồi tựa chốn mạn thuyền". Nghệ thuật ngắt câu và lặp câu đột ngột như vậy thật khó tìm thấy, trong mọi thứ dân ca của người Việt, càng khó thấy trong những ca khúc mới.

Cũng như ở nhiều bài Quan họ khác, bài “Ngồi tựa mạn thuyền” hầu như không được ứng dụng thủ pháp nhắc lại nguyên vẹn một nét nhạc, một lời ca, mà đó là sự nhắc lại có biến hóa. Những lời ca "ngồi tựa mạn thuyền", “tay dạo cung đàn"… trong lần hát lặp lại đã được thay đổi hoặc thêm bớt chút ít. Cùng với sự biến hóa về lời ca, những nét nhạc được nhắc lại cũng luôn có sự biến hóa bằng cách di chuyển cao độ, rút ngắn hoặc kéo dài trường độ.

“Ngồi tựa mạn thuyền” là một bài Quan họ tả tình tả cảnh đặc sắc, nó chứa đựng một số thủ pháp nghệ thuật độc đáo, có tính hiện đại. Hiển nhiên là người nghe càng được truyền cảm nếu bài ca được trình bày theo cách phát âm "nảy hạt" vang giòn… thì khoái cảm thẩm mỹ, hiệu quả cảm thụ sẽ tăng lên khi ta nghe "ngồi tựa mạn thuyền, giăng in mặt nước càng nhìn non nước càng xinh"… những yếu tố độc đáo trong nghệ thuật thơ ca và âm nhạc đã tạo nên sự cuốn hút người thưởng thức khi mỗi độ xuân về.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần