Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ An: bất cập trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tổng kết công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An ba năm trở lại đây đã đưa ra nhiều con số khiến dư luận quan tâm, kèm theo đó là những bất cập, tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục.

Những con số “biết nói”

Mới đây, tổng kết công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 đến 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã phần nào cho thấy lĩnh vực này ngày một thắt chặt về quản lý hơn, nhưng cũng hiện hữu nên nhiều tốn tại. Toàn tỉnh Nghệ An hiện 48.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Hình ảnh nữ đại biểu mang những gói bánh được mua trước cổng trường học đưa vào chất vấn trong kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An trở thành tâm điểm dư luận về nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hình ảnh nữ đại biểu mang những gói bánh được mua trước cổng trường học đưa vào chất vấn trong kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An trở thành tâm điểm dư luận về nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, đoàn liên ngành các cấp đã phát hiện một số cơ sở hoạt động chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đã bị xử phạt vi phạm theo quy định.

Giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Nghệ An đã thành lập 3.287 đoàn thanh tra, kiểm tra với tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 40.573 cơ sở, trong đó có 38.983 cơ sở đạt (96,08%) và 1.590 cơ sở vi phạm (3,92%) với tổng số tiền xử phạt hơn 3.659 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: không thực hiện quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm;...

Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 vụ ngộ độc thực phẩm thuộc cấp huyện, xã quản lý với 175 người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 1 vụ ngộ độc bếp ăn tập thể tại Công ty may Tenergy (huyện Yên Thành) làm 72 người nhập viện.

Trăn trở về câu chuyện hàng hóa như bánh kẹo bán đầy trước cổng trường học nhưng lại không có đầy đủ tem, nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc...lo sợ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe các em nhỏ mà cử tri băn khoăn, nữ đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP Vinh) đã mua 5 gói kẹo với nhiều biểu hiện hàng hóa không rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh...với giá 16 nghìn đồng, ngay trước cổng trường học mang vào phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An ngày 12/7 vừa qua để chất vấn Sở Công thương về công tác quản lý.

Hình ảnh cơ quan chức năng cấp xã, huyện ở Diễn Châu xử lý vi phạm, thu hồi hàng hóa không rõ nguồn gốc trước cổng trường, tiêu hủy và giáo dục học sinh chủ động nói không với thực phẩm bẩn.
Hình ảnh cơ quan chức năng cấp xã, huyện ở Diễn Châu xử lý vi phạm, thu hồi hàng hóa không rõ nguồn gốc trước cổng trường, tiêu hủy và giáo dục học sinh chủ động nói không với thực phẩm bẩn.

Còn nhiều tồn tại cần khắc phục

Theo đánh giá chung từ các cơ quan quản lý, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại Nghệ An lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đơn cử như, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện nay chưa thống nhất. Tại Nghệ An lâu nay công tác quản lý đang được phân công cho ba ngành là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương.

Trong đó Sở Công Thương không có đơn vị chuyên trách và được phân công kiêm nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho một phòng chức năng thuộc Sở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công cho 04 chi cục cùng quản lý. Sở Y tế giao cho các phòng trực thuộc và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bún Thanh Phúc tại Nghi Phú và xử lý một số vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh TT)
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bún Thanh Phúc tại Nghi Phú và xử lý một số vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh TT)

Đối với cấp huyện, cấp xã còn gặp nhiều khó khăn hơn do không có cán bộ chuyên trách tham mưu quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn có sự tham gia của lực lượng Cảnh sát môi trường, quản lý thị trường.

Về công tác phối hợp, các ban, ngành đã thực hiện công tác phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm nhưng hiệu quả chưa cao. Số lượng văn bản quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhiều, do nhiều chủ thể ban hành nên không đồng bộ giữa các ngành quản lý, đôi lúc gây khó khăn trong tra cứu, áp dụng...

Việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, hiện tại các ngành tự cập nhật dữ liệu để quản lý nhưng chưa có phần mềm dữ liệu hệ thống chung từ Trung ương nên việc kết nối liên thông là chưa thực hiện được.

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội...

Vì vậy, cần tăng cường theo dõi, xử lý kịp thời những vi phạm lĩnh vực hàng hóa thực phẩm buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội. Cần xây dựng hệ thống quản lý phần mềm từ cơ sở tới Trung ương chặt chẽ, bài bản, để tăng hiệu quả hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý...