Nghệ An: Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt khoản vay thế chấp ngân hàng

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, dư luận tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu bức xúc trước thực trạng nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ bị kê biên, đấu giá tải sản đất và tài sản trên đất liên quan tới khoản vay nợ thế chấp với ngân hàng. Điều đáng nói, hầu hết hơn chục gia đình này đều thuộc diện nghèo và bị cán bộ ngân hàng S. lừa hàng trăm triệu đồng.

Đã nghèo lại gặp eo
Theo phản ánh của người dân, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trực tiếp về xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) để xác minh vụ việc. Trong quá trình tìm hiểu cho thấy, không chỉ vài gia đình, mà hàng chục gia đình đều chung một hoàn cảnh, rơi vào bẫy lừa của một cán bộ ngân hàng S. rồi bỗng chốc ôm đống nợ lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Và đứng trước nguy cơ trắng tay, ra đường ở khi mà phía ngân hàng đang gấp rút thực hiện việc kê biên, bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi vốn cho vay.
Đơn thư người bị hại gửi lên cơ quan chức năng mong được tạm hoãn thi hành án.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1967, xóm Yên Thịnh, xã Diễn Ngọc), năm 2018 vì để có tiền cho 2 con trai đi xuất khẩu lao động, bà Bảy đã phải thế chấp tài sản vay là nhà ở cấp 4 và mảnh đất ở duy nhất tại xóm Yên Thịnh. Quá trình làm hồ sơ vay vốn thế chấp tài sản tại Ngân hàng S. có chi nhánh giao dịch tại thị trấn huyện Diễn Châu. Do có quen biết từ trước, bà Bảy đã nhờ cán bộ ngân hàng có tên Nguyễn Trường Giang (SN 1982, xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) đứng ra làm hộ toàn bộ thủ tục khoản vay thế chấp 200 triệu đồng.
“Trong quá trình làm thủ tục vay vốn, Giang nhờ tôi kê khoản vay từ 200 triệu lên 700 triệu, Giang bảo cho Giang vay tạm để xử lý công việc, mua đất đai, rồi mấy tháng sau Giang sẽ hoàn trả để tôi trả Ngân hàng. Do không nắm rõ thủ tục vay, cũng như đứng trước nguy cơ không có Giang giúp thì khó để vay được khoản vay 200 triệu, do đó tôi cũng đồng ý cho Giang đứng ké thêm 500 triệu khoản vay thế chấp tài sản giấy chứng nhận đất và nhà ở. Để rồi bây giờ Giang bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã, còn gia đình tôi thì nguy cơ phải ra đường, trắng tay vì ngân hàng kê biên, phát mại tài sản thế chấp vay” - bà Bảy nước mắt ngắn dài trình bày.
Éo le hơn có trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, chồng mắc bệnh ung thư, hiện cả gia đình chỉ trông chờ vào sức lao động của chị, thuộc diện hộ cận nghèo tại xã. Nay cả gia đình lại như đang “ngồi trên đống lửa” bởi nguy cơ cũng phải ra đường khi Thi hành án huyện kê biên phát mại tài sản khoản vay thế chấp nhà và đất ở cho Ngân hàng S.
Theo trình bày của chị Huyền, năm 2017, gia đình chị có thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một đứng tên vợ chồng chị và một đứng tên mẹ ruột chị. Với khoản vay thế chấp tại ngân hàng S. là 600 triệu đồng, mục đích sửa lại thuyền đánh cá đã hư hỏng.
Quá trình làm thủ tục khoản vay, chị Huyền cũng nhờ cán bộ ngân hàng S. là Nguyễn Trường Giang, hy vọng khoản vay sẽ được chấp thuận và có thể nhanh chóng được giải ngân. Nhưng rồi, bằng lời ngon ngọt và dưới sức ép khoản vay sửa chữa thuyền đánh cá, Giang đã nhờ chị Huyền cho vay ké trong khoản vay số tiền 400 triệu, nâng tổng mức vay thế chấp tài sản hai giấy chứng nhận QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất lên tới 1 tỷ đồng.
Câu chuyện chính thức vỡ lẽ vào năm 2018, sau nhiều lần yêu cầu Giang hoàn trả số tiền vay trong khoản vay thế chấp tài sản không được, không chỉ gia đình bà Bảy, gia đình chị Huyền mà còn nhiều hộ gia đình khác mới vỡ lẽ câu chuyện bị Giang lừa đảo, chiếm đoạt khoản vay và bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước tình thế đó, nhiều nạn nhân đã làm đơn gửi Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An tố cáo hành vi của Giang. Ngày 14/6/2018 Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Trường Giang về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Do đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương nên phía Công an đã phát lệnh truy nã vào ngày 27/6/2018.
Nguy cơ trắng tay, ra đường vì bị thi hành án
Gần đây, câu chuyện này trở nên nóng hơn bao giờ hết khi mà phía cơ quan thi hành án đang liên tục vận động, dục các hộ gia đình phải chấp hành quyết định thi hành án nếu không sẽ kê biên, cưỡng chế tài sản thi hành án. Câu chuyện lại một lẫn nữa khiến nhiều gia đình là nạn nhân của Nguyễn Trường Giang rơi vào thảm cảnh bi đát khi đối diện nguy cơ trắng tay, không còn chốn dung thân.
Ai cũng xót xa cho hoàn cảnh các nạn nhân, bởi họ điều kiện hoàn cảnh đều khó khăn, quanh năm bám biển, hoặc buôn bán nhỏ lẻ ven biển kiếm sống, lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng mà Giang đã chiếm đoạt để trả cho ngân hàng.
Lệnh truy nã đối tượng Nguyễn Trường Giang mà Công an tỉnh Nghệ An phát đi từ năm 2018 nhưng tới nay vẫn chưa bắt được.
Đứng trước sức ép từ việc thi hành án, bà Bảy, chị Huyền cũng như nhiều nạn nhân khác đã phải viết đơn kiến nghị, kêu cứu lên các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Với mong mỏi xin được tạm hoãn việc thi hành án, để họ có chỗ ở mà làm ăn rồi còn trả nợ cho ngân hàng. Đồng thời, vụ việc khoản vay liên quan tới hành vi lừa đảo của chính cán bộ ngân hàng nên họ mong rằng khi vụ án được làm sáng tỏ, Giang chịu trừng trị của pháp luật cũng như trách nhiệm về khoản tiền đã vay, thì khi đó mong rằng Ngân hàng, hay thi hành án mới thực hiện việc thi hành án, kê biên tài sản vay.
Liên quan tới nội dung đơn thư xin tạm hoãn thi hành án các bị hại gửi Cục thi hành án tỉnh Nghệ An, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quốc Nam - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An thông tin rằng, đã nắm được đơn thư và đang xem xét trả lời công dân cụ thể việc có được hoãn hay không được hoãn.
Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Cương - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Diễn Châu cho rằng đã làm đúng, đủ các bước để thực hiện việc thi hành án theo đúng dự kiến, quyết định đã thông báo.
Về nội dung cán bộ Ngân hàng S. là Nguyễn Trường Giang thuộc cán bộ phòng giao dịch tại huyện Diễn Châu bị khởi tố, truy nã về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cùng với đó là những dấu hiệu về khoản vay thế chấp không đúng quy định khi có dấu hiệu nâng khống giá trị tài sản thế chấp khoản vay để được tăng khoản vay lên trong khi giá trị thực tài sản thế chấp rất thấp? Và trách nhiệm của những người liên quan trong khâu thẩm định hồ sơ, cho vay vốn ở câu chuyện này? Phóng viên đã liên hệ với phía ngân hàng S. tuy nhiên phía lãnh đạo đơn vị này hẹn sẽ phúc đáp, thế nhưng sau nhiều ngày vẫn không hồi âm lại.
Qua sự việc này, người dân cũng cần cảnh giác cao với những đối tượng lừa đảo có thể mượn danh hoặc là cán bộ ngân hàng khi muốn kê thêm tiền vay vào hồ sơ thế chấp.
Hy vọng rằng tiếng kêu cứu từ những gia đình nạn nhân sẽ được UBND tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng quan tâm xem xét thấu đáo, sớm có chỉ đạo cụ thể về vụ việc. Đồng thời, phía Công an tỉnh Nghệ An cần điều tra xác minh rõ có hay không dấu hiệu khai khống hồ sơ, giá trị tài sản thế chấp để rồi tạo kẽ hở cho cán bộ ngân hàng tên Giang lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tiền hàng tỷ đồng của người bị hại như đã nêu.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần