Nghệ An: "Chảy máu" khoáng sản và những hệ luỵ

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương có tài nguyên, khoáng sản phong phú, tuy nhiên, công tác quản lý trên lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn, bất cập.

“Chảy máu” khoáng sản 

Thời gian gần đây, “chảy máu” khoáng sản và hệ lụy trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An dường như đang là bài toán nan giải với địa phương này. Trong đó, việc khai thác lậu, thất thu thuế, ảnh hưởng tới đời sống Nhân dân... từ khoáng sản đang được dư luận hết sức quan tâm và làm nóng lên tại các kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Điển hình là vụ việc Công an Nghệ An đã phát hiện, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan tới “đại công trường” khai thác hàng nghìn m3 đá hoa trắng tại xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp) vào gần cuối năm 2021. Điều đáng nói là đá được khai thác “thổ phỉ” trái phép và điểm khai thác cách không xa vị trí làm việc của chính quyền xã nhưng lại diễn ra công khai, quy mô. Cơ quan công an đã bắt giữ 23 đối tượng, sau đó khởi tố đối tượng cầm đầu là Trần Văn Bảy (SN 1970, Quỳ Hợp) và xử lý nhiều đối tượng với hậu quả là khai thác hơn 1.200m3 đá hoa trắng trái phép. Liên quan những vụ việc này, nhiều cán bộ cấp huyện, xã cũng đã bị kỷ luật.

Đại công trường khai thác trái phép đá hoa trắng tồn tại như thách thức cơ quan chức năng địa phương cho đến khi Công an Nghệ An khởi tố.
Đại công trường khai thác trái phép đá hoa trắng tồn tại như thách thức cơ quan chức năng địa phương cho đến khi Công an Nghệ An khởi tố.

Cùng với đó là việc hàng trăm giếng nước "trơ đáy", sụt lún đất làm gần 250 ngôi nhà nứt, hỏng và có những khu vực xuất hiện “hố tử thần” khiến người dân ở xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp) bất an, phải di dời nơi ở.

Theo thống kê, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, trên địa bàn xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp) có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy, 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối và hàng trăm ngôi nhà bị rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến gần 60 tỷ đồng. Sự việc gây nóng dư luận, đích thân Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã phải trực tiếp đi khảo sát, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khẩn trương khắc phục hậu quả, di dời những hộ dân bị ảnh hưởng, mất an toàn để bảo đảm tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Dẫu rằng chưa tìm rõ nguyên nhân mất nước ngầm, xuất hiện "hố tử thần", nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Công ty Tân Hoàng Khang là đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản (quặng Thiếc và đá xây dựng đi kèm) trên địa bàn này phải chịu trách nhiệm khắc phục. Tháng 5/2022, Công ty Tân Hoàng Khang đã bị tỉnh Nghệ An xử phạt gần 300 triệu đồng với nhiều vi phạm, như: Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Lấn chiếm 18.380m2 đất nông nghiệp không phải là đất trống lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải, nhà điều hành, nhà ở công nhân, công trình phụ, đường giao thông, bãi tập kết vật liệu...

Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiểm tra, chỉ đạo khi ở "thủ phủ" khoáng sản Quỳ Hợp nóng lên chuyện giếng trơ đáy và xuất hiện hố tử thần đe dọa đời sống người dân xã Châu Hồng.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiểm tra, chỉ đạo khi ở "thủ phủ" khoáng sản Quỳ Hợp nóng lên chuyện giếng trơ đáy và xuất hiện hố tử thần đe dọa đời sống người dân xã Châu Hồng.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi cho rằng, quá trình thực hiện giám sát những nội dung về khoáng sản cho thấy nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản vẫn còn diễn ra. Như tình trạng khai thác khoáng sản trái phép có xu hướng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong Nhân dân, nhất là khai thác đất san lấp, cát sỏi, đá trắng. Có dấu hiệu thất thu thuế, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông trên địa bàn khai thác… Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thu nhận nhiều ý kiến phản ánh của cử tri tại các địa phương có hoạt động khai thác mỏ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân như: Ô nhiễm môi trường, bụi, tiếng ồn, nổ mìn, đường sá xuống cấp nghiêm trọng do việc vận chuyển khoáng sản...

Khó khăn trong quản lý   

Để tăng hiệu quả trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với nền kinh tế chung của tỉnh, tránh hệ lụy, tiêu cực, sai phạm gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng lớn tới đời sống Nhân dân...dường như đang khiến Nghệ An nan giải tìm phương án. 

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, trải qua quá trình thực hiện giám sát theo kế hoạch, chuyên đề về khoáng sản còn thấy rằng, hiện nay nhu cầu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường rất nhiều nhưng số lượng mỏ đất, mỏ cát lại rất hạn chế, trong khi đó quy hoạch các điểm mỏ đã được thực hiện từ năm 2015. Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Khoáng sản, quy hoạch khoáng sản phải được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh nên việc muốn bổ sung, điều chỉnh thêm, bớt các mỏ khoáng sản. Đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ phải tiến hành rà soát, điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch toàn tỉnh. Đồng thời quy hoạch phải dự báo được nhu cầu khoáng sản trong thời gian dài nên cần rất nhiều thời gian để rà soát, điều tra, thăm dò trữ lượng, nhu cầu thực tế.

Việc cấp phép, khai thác, quản lý khoáng sản ở Nghệ An còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế...
Việc cấp phép, khai thác, quản lý khoáng sản ở Nghệ An còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế...

Tại các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản mà Đoàn đã đi khảo sát trực tiếp cũng như qua báo cáo của các đơn vị, lực lượng lao động chủ yếu là lao động làm thuê theo thời vụ khiến cho cơ quan chức năng và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hướng dẫn và áp dụng các chế độ chính sách về bảo hiểm cho người lao động. Dẫn tới việc bảo đảm các quyền lợi cơ bản cho người lao động không được kiểm soát đầy đủ, chặt chẽ cũng như ảnh hưởng đến quá trình và mức đóng các loại bảo hiểm quy định theo thang, bảng lương của các doanh nghiệp. 

Theo quy định của pháp luật, một trong những điều kiện để doanh nghiệp khoáng sản được phép hoạt động là phải lắp đặt camera giám sát và trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, tại các kho chứa để lưu trữ thông tin số liệu liên quan. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện quy định trên.

Chủ tịch tỉnh Nghệ An làm việc với cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp về những vấn đề nóng gây dư luận trong khái thác khoáng sản.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An làm việc với cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp về những vấn đề nóng gây dư luận trong khái thác khoáng sản.

Mặt khác, quy định pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giao cho cơ quan chức năng nào giám sát, theo dõi vấn đề này cũng như biện pháp xử lý triệt để đối với các doanh nghiệp không thực hiện lắp đặt ca me ra, trạm cân. Thay cho hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền theo quy định pháp luật. Điều này khiến chính quyền địa phương và cơ quan thuế rất khó khăn trong việc phối hợp giám sát sản lượng khai thác thực tế để thu thuế. Đang phải phụ thuộc hoàn toàn dựa vào sản lượng tự kê khai của các doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách và có dấu hiệu thất thu ngân sách.

 

Theo số liệu từ cơ quan Thuế  Nghệ An công bố tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An vào tháng 12/2021 cho thấy, thu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản năm 2020 đạt 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đạt 1.125 tỷ, chiếm gần 8% tổng thu ngân sách. Về công tác thanh, kiểm tra, năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ. Công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó, có 2 hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế. Hiện tượng này diễn ra các hoạt động khai thác đất đá, cát sỏi, quặng thiếc.. công suất ít khai thác nhiều.