Nghệ An: muôn vàn khó khăn tái thiết lại cuộc sống sau lũ
Kinhtedothi – Ba ngày sau khi nước lũ rút, người dân tại các địa bàn nơi bị lũ quét qua ở Nghệ An vẫn đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Lũ về khiến nhiều cầu treo bị sập, đường giao thông chất dày bùn đất, nhiều cung đường sạt lở, hư hỏng nặng...
Khó khăn chồng chất
Trung tâm xã Tương Dương (thị trấn Thạch Giám cũ) là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ ở Nghệ An vừa qua. Xã Tương Dương ghi nhận hơn 2.200 ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều cầu treo bị lũ cuốn trôi. Vùng đất miền núi từng gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nên thơ với những khu dân cư uốn lượn bên sườn núi, ven dòng sông Lam, nay chỉ còn lại cảnh tượng tan hoang.
Cung đường huyết mạch quốc lộ 7 qua xã Tương Dương vừa được nỗ lực khơi thông nhưng vẫn rất khó di chuyển, bùn đất ngập cao cả mét, để thông đường trong tình thế cấp bách, lực lượng chức năng buộc phải dùng máy móc, tạm nạo vét bùn đắp sang hai bên ta luy âm và dương. Đoạn vào khu vực xã có lúc chỉ một ô tô đi lọt, hai bên đường bùn đất chất cao hơn cả xe, có đoạn vẫn còn đọng nước thành vũng sâu.

Nhiều bản, làng ở Nghệ An tiêu điều sau lũ dữ.
Hai chiếc cầu treo dân sinh nối liền giữa bản Chắn, bản Lau với các bản làng khác và trung tâm xã bị lũ cuốn, hơn 1.000 hộ dân vẫn đang bị cô lập. Để giúp người dân hai bản kịp thời khắc phục hậu quả sau lũ, chính quyền địa phương đã phải sử dụng thuyền, vượt sông Lam với dòng chảy lớn để đến chia sẻ khó khăn, hỗ trợ bà con.
“Khó khăn chồng chất khó khăn, hơn 1.000 hộ vẫn đang bị cô lập, công cuộc dọn dẹp hậu quả do bão lũ để lại rất gian truân. Những ngày qua, dù lực lượng chức năng đã nỗ lực ngày đêm, nhưng đến nay vẫn chưa thể đóng điện trở lại, nhà máy nước hư hỏng vẫn chưa thể hoạt động, bùn đất từ nhà dân ra hẻm, đường lớn chất dày. Công tác khắc phục hậu quả diễn ra khẩn trương với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ hàng trăm chiến sỹ Công an, Quân đội... nhưng mọi thứ vẫn rất ngổn ngang” - Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương buồn bã chia sẻ.
Chứng kiến cảnh tượng sau lũ quét tại xã Tương Dương, ai cũng xót xa. Giữa lớp bùn đất ngổn ngang, người dân và lực lượng chức năng đang hối hả dọn dẹp, cố gắng nhặt nhạnh, giữ lại những gì còn sót lại sau lũ. Mỗi gia đình là một câu chuyện mất mát: nhà cửa hư hỏng, tài sản trôi theo dòng nước dữ. Những đồ dùng thiết yếu trong nhà rồi sẽ phải sắm sửa lại, trở thành gánh nặng không nhỏ với những người dân vốn đã chật vật về kinh tế.

Người dân dọn dẹp lại nhà cửa sau lũ, nhiều tài sản, vật dụng không thể sử dụng lại.
Cũng như nhiều địa phương khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lịch sử vừa qua, các xã Tam Thái, Tam Quang... đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân vẫn không ngừng nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ tịch UBND xã Tam Thái Lô Dưng Khánh, cho biết: “Toàn xã có hơn 300 nhà dân, cùng các điểm trường tiểu học, mầm non bị ngập sâu trong nước lũ. Hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 5 bản bị hư hỏng nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Trận lũ vừa qua đã để lại thiệt hại rất lớn cho địa phương”.

Sau lũ, hạ tầng giao thông như đường sá, cầu cống, nhà cửa của người dân
bị hư hỏng nặng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang Kha Thị Hiền chia sẻ: “Sơ bộ thống kê cho thấy thiệt hại lên tới gần 100 tỷ đồng. Gần 200 ngôi nhà bị ngập sâu, bị cuốn trôi; nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay sau lũ. Chính quyền đã phải khẩn cấp di dời, tháo dỡ nhiều nhà dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hạ tầng giao thông như đường sá, cầu cống bị hư hỏng nặng… Thiệt hại là vô cùng lớn”.
Ngổn ngang những nỗi lo
Người dân vùng rốn lũ lúc này không chỉ đang gồng mình trước mất mát về nhà cửa, tài sản. Việc thiếu nước sạch, thiếu lương thực, nhu yếu phẩm gần như đã trở thành điều mặc định sau thiên tai. Nhưng nhọc nhằn hơn cả, là nỗi khốn khó khi phải tái thiết lại cuộc sống trong cảnh không điện, không nước.
Người dân phải chủ động tìm kiếm nguồn nước khi hệ thống nước sinh hoạt gia đình không còn hoạt động. Họ chở từng can, từng thùng nước để dội rửa bùn đất, lau dọn lại nhà cửa. Nguồn nước khe suối trên núi đang được tận dụng tối đa cho việc giặt giũ, sinh hoạt tạm thời. Không có điện, không máy móc hỗ trợ, mọi việc đều phải làm thủ công.

Hệ thống điện, nước chưa thể khắc phục sau lũ... khiến người dân khó khăn hơn trong việc tái thiết lại cuộc sống.
Nhiều ngày sau lũ, bùn đất vẫn ngập trong nhà dân. Những vật dụng sinh hoạt còn có thể tận dụng thì vẫn nằm im lìm trong lớp bùn, chưa có nước để lau rửa, vệ sinh. Khắp thôn, làng, ngõ hẻm, rác thải chất thành từng đống lớn. Không chỉ là rác do lũ cuốn về, mà còn là đồ dùng sinh hoạt hư hỏng: chăn màn, giường chiếu, quần áo bị loại bỏ sau nhiều ngày ngấm nước, bốc mùi hôi nồng nặc, tạo thành những “núi rác”.
Sau lũ, nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh đang hiện hữu nghiêm trọng. Địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện thu gom rác thải, phân loại, vận chuyển về khu xử lý tập trung. “Chúng tôi đang nỗ lực từng giờ để ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường” - Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương Lê Văn Lương cho biết.

Bên bờ sông Lam, hàng nghìn hộ dân vẫn đang bị cô lập vì cầu bị cuốn trôi.
Một vấn đề cấp thiết hiện nay là nhanh chóng có phương án ứng phó với các xã, bản đang bị cô lập – đặc biệt tại những địa phương bị lũ cuốn trôi cầu dân sinh, chia cắt tuyến đường độc đạo. Hạ tầng hư hỏng khiến công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả sau lũ bị chậm trễ, đầy gian nan. Nhiều hộ dân tại các bản vùng sâu hiện vẫn thiếu thốn lương thực, nước sạch và chỗ ở tạm thời.
Đến nay, tại các xã vùng rốn lũ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội, Công an, dân quân tự vệ cùng chính quyền địa phương đang ngày đêm hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả nặng nề sau trận lũ lịch sử.

Dự báo thời tiết ngày 26/7/2025: Mưa lớn ở Hà Nội, Bắc Bộ, Nghệ An, Thanh Hóa giảm dần
Kinhtedothi - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa đưa ra thông tin dự báo thời tiết ngày 26/7/2025 tại Hà Nội và các vùng trên cả nước.

Nghệ An: cùng nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn sau những mất mát
Kinhtedothi – Những ngày qua, mưa lũ đã mang đến thiệt hại nặng nề ở các xã vùng cao ở Nghệ An. Lũ vừa qua đi, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, kiệt quệ, mất nhà cửa, tài sản...nhưng họ đã và đang được chính quyền, các lực lượng chức năng, Nhân dân trong cả nước đồng hành để tái thiết cuộc sống.

Nghệ An: nỗ lực thông các tuyến đường bị ách tắc do mưa lũ
Kinhtedothi – Ngày 25/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thông tin, các đơn vị chức năng tỉnh đang nỗ lực tập trung nhân lực, vật lực, bằng mọi biện pháp khơi thông các tuyến đường huyết mạch lên các xã miền núi - nơi vừa xảy ra lũ lụt gây chia cắt nhiều thôn, bản.