Nỗi đau tàn phế của một học sinh
Phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Đức Mậu (SN 1977, trú tại xóm 2, xã Hưng Chính, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, con trai ông là Trần Đức Nhân, đang là học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng). Trong giờ học thực hành không may bị tai nạn dẫn tới đứt lìa cánh tay phải và đa chấn thương, phải đưa đi khắp các bệnh viện trong nước cấp cứu, điều trị.
Theo đó, chiều 25/6, tại phòng học thực hành tầng 1 ODA, Khoa cơ khí, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng (có địa chỉ tại số 27, đường Hoàng Phan Thái, TP Vinh, Nghệ An), 2 em Trần Đức Nhân và T.T. (đều sinh năm 2004) được giáo viên bộ môn là cô Nguyễn Thị Huyền Trang phân chia thành một nhóm để học bài: “Tiện ren tam giác ngoài - Modul, môn học Tiện nâng cao”. Trước đó, các học sinh được giáo viên hướng dẫn nội dung bài học tại khu vực học lý thuyết. Giáo viên còn yêu cầu khi học xong phải về chỗ ngồi tại vị trí bàn học lý thuyết ban đầu và sẵn sàng ở lại giúp đỡ bạn nếu bạn cần.
Trong quá trình thực hành chuẩn bị phôi tại phòng học, do máy cắt phôi đã hỏng một thời gian chưa được sửa chữa nên không dùng được. Các em học sinh sau đó được cô Trang đưa cho một thanh sắt dài, hướng dẫn thực hành cắt phôi tại máy tiện số 2 của phòng học thực hành ODA - Khoa cơ khí để cắt phôi chuẩn bị cho môn học.
Tại đây, sau khi hoàn thành bài học cắt phôi của mình (gồm 2 phần phôi, mỗi phần dài 100mm và rộng 30mm), Nhân đã tắt máy và bàn giao máy lại cho bạn cùng nhóm, đồng thời cầm hai thanh phôi vừa cắt xong đưa sang máy tiện số 3 phía sau để các bạn tiện mặt đầu. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, do lối đi hẹp nên phần ngang lưng áo của Nhân bị cuốn vào phôi thừa của máy tiện số 2, khiến cánh tay phải của Nhân bị cắt đứt lìa tận khớp vai, rơi xuống nền nhà, tay trái bị biến dạng. Tiếp đến, nạn nhân bị máy hất mạnh ngã xuống nền nhà gây chấn thương vùng đầu và mông. Lúc đó trên người nạn nhân chỉ còn mỗi quần dài, toàn bộ áo bị cuốn chặt vào phôi thừa trên máy tiện. Do sự việc diễn ra rất nhanh và bất ngờ, nên các học sinh khác không kịp ứng cứu.
Có thực sự an toàn khi học tại Trường Cao đẳng nghề số 4?
Theo lời kể của nạn nhân và một số học sinh cùng lớp, thời điểm xảy ra tai nạn, cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang được phân công giảng dạy nhưng không có mặt tại phòng học. Chỉ sau khi sự việc xảy ra, một số em học sinh trong lớp thực hành đi gọi thầy, cô giáo và lãnh đạo nhà trường lúc đó Nhân mới được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chữa trị.
“Trong các giờ học thực hành, em được cô giáo nhắc nhở rằng, khi hoàn thành bài học của mình thì về lại chỗ ngồi ban đầu. Bản thân em không hề được các thầy cô, hay cán bộ nhà trường cảnh báo phía họng trục chính của máy tiện nguy hiểm. Nhà trường cũng không có biển báo cấm đi lại, cũng như không cử giáo viên hướng dẫn đến vị trí đứng và đi lại xung quanh máy. Trong phòng thực hành chỉ có bản quy tắc an toàn sử dụng máy tiện và trong bản quy tắc đó cũng không đề cập đến vấn đề đi lại hay là được đứng ở vị trí nào của máy”, em Trần Đức Nhân chia sẻ.
Ông Trần Đức Mậu (bố nạn nhân) bức xúc nói: “Việc cháu bị tai nạn tại lớp học, trách nhiệm lớn thuộc về giáo viên và nhà trường. Không lý nào một tiết học thực hành với nhiều máy móc nguy hiểm mà giáo viên lại có thể bỏ lớp ra ngoài. Hơn nữa, giáo viên và nhà trường đã không tuân thủ đúng quy định về việc vận hành máy tiện. Điều đáng lên án ở đây là Trường Cao đẳng nghề số 4 không những không bồi thường cho gia đình, ngược lại còn trốn tránh trách nhiệm, buông lời thách thức”.
“Sau thời gian dài điều trị, tốn nhiều công sức, tiền của, đến nay con tôi đã dần hồi phục và được cho về nhà chăm sóc. Tuy nhiên, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cánh tay trái của cháu bị đứt cơ nhị đầu, nếu muốn phẫu thuật nối cơ phải chuyển qua các bệnh viện hàng đầu của Singapore mới có thể hồi phục hoàn toàn. Trải qua hơn 5 tháng chữa trị cho cháu, hiện kinh tế của gia đình đã kiệt quệ, phải vay mượn khắp nơi. Chúng tôi chỉ mong Trường Cao đẳng nghề số 4 dựa trên các tài liệu, chứng từ mà gia đình cung cấp để xem xét, đưa ra các phương án chi trả, bồi thường thỏa đáng”, ông Mậu cho biết thêm.
Để làm rõ sự việc, chiều 2/12 phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Hà Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng). Ông Cường thông tin, vụ việc một nam sinh bị máy tiện cuốn đứt lìa tay khi đang học thực hành tại nhà trường là có.
“Thời điểm em Nhân gặp nạn, giáo viên Nguyễn Thị Huyền Trang là người làm nhiệm vụ giảng dạy nhưng đã ra ngoài đi vệ sinh. Việc này chúng tôi đã lập biên bản và có hình thức xử lý đối với cá nhân giáo viên này. Đến nay, bên cạnh việc chi trả tiền viện phí cho em Nhân bị tai tai nạn lao động khi thực hành trong giờ học, nhà trường cũng thực hiện hỗ trợ đúng theo trách nhiệm của mình được quy định cụ thể tại Điều 33 Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Hiện gia đình đòi hỏi số tiền hỗ trợ quá cao nên nhà trường đang xem xét, chưa thể giải quyết theo nguyện vọng của họ được”.
Khi phóng viên muốn đi sâu tìm hiểu về các biên bản làm việc thì thầy Cường yêu cầu phải có giấy giới thiệu của Quân khu 4. Sau khi tìm đến đơn vị theo thầy Cường yêu cầu là Quân khu 4, thì lại tiếp tục được giới thiệu lên cấp cao hơn để xin giấy giới thiệu về làm việc.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc.