Nghệ An: Nhiều góp ý thiết thực vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo thống kê từ UBND tỉnh Nghệ An, liên quan nhiệm vụ triển khai góp ý dự thảo sửa đổi bổ sung Luật đất đai lần này cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức 1.029 cuộc hội nghị, hội thảo; đã nhận được 9.417 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Người dân hiểu quyền lợi

Tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương gồm: 1 thành phố (Vinh), 3 thị xã (Thái Hòa, Cửa Lò, Hoàng Mai) và 17 huyện (Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quế Phong, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn, Đô Lương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương). Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.493,7km2 (diện tích miền núi chiếm 83%), dân số tính đến năm 2020 đứng thứ 4 cả nước với 3.365.198 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (với 84,5%). Mật độ dân số 204 người/km².

Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống ở tỉnh Nghệ An trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi. Nghệ An hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người).

Diện tích lớn, dân số đông, đáng chú ý dân số chủ yếu là nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số...lại đứng trước những biến động lớn như sáp nhập đơn vị hành chính; thu hồi đất để phát triển kinh tế, giao thông; lượng hồ sơ tồn đọng về đất đai những năm qua chưa được xử lý triệt để...khiến Nhân dân có nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật đất đai lần này. Đồng thời, trình độ dân trí ngày càng cao, tiếp xúc gần hơn với các phương tiện truyền thông cũng như các cơ quan công quyền, hành chính Nhà nước nên người dân hiểu rõ hơn quyền và lợi ích của mình trong lĩnh vực đất đai.

Hình ảnh những cuộc hội nghị ghi nhận đóng góp ý kiến dự thảo Luật đất đai sửa đổi từ người dân xã Tam Thái, huyện Tương Dương .
Hình ảnh những cuộc hội nghị ghi nhận đóng góp ý kiến dự thảo Luật đất đai sửa đổi từ người dân xã Tam Thái, huyện Tương Dương .

Qua ghi nhận tại nhiều địa phương bao gồm cả những huyện biên giới sát nước bạn Lào, khu vực dân cư trung du, vùng biển cho thấy người dân có nhiều ý kiến đóng góp, điều chỉnh để Luật đất đai sửa đổi sẽ có những tác động hiệu quả tới công tác quản lý của Nhà nước, giúp “cởi trói” được nhiều vấn đề mà lâu nay họ quan tâm, mong chờ.

Điển hình như tại huyện Kỳ Sơn, là địa phương dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hiện đang thay đổi từng ngày với nhiều biến động trong đời sống Nhân dân. Kéo theo những biến động đó, lĩnh vực đất đai trở nên được quan tâm nhiều. Qua tiếp xúc với nhiều người dân, họ cho biết, đặc tính vùng đất đồi núi cao, địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản...Do đó họ mong dự thảo lần này tại Điều 81 cần quy định rõ văn bản của cơ quan thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người đối với trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 cần ghi rõ là cơ quan nào.

“Do địa hình miền núi, đất đai ít biến động nên không cần thiết thay đổi 1 năm 1 lần, do đó tại Điều 154 dự thảo Luật này quy định bảng giá đất xây dựng định kỳ hàng năm, nhưng với điều kiện miền núi như Kỳ Sơn thì đề nghị ban hành giá đất 2 năm một lần. Ngoài ra nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quản lý đất đai còn gặp nhiều khó khăn do chưa có bản đồ địa chính, nguồn gốc đất khá phổ biến là khai hoang...do trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về nội dung này”, Phó phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn Đặng Đức Phước nêu ý kiến sau khi tổng hợp từ nhân dân.

Ông Lô Văn Quế nêu ý kiến.
Ông Lô Văn Quế nêu ý kiến.

Ông Lô Văn Quế (bản Cam, xã Tam Thái, huyện Tương Dương) có ý kiến góp ý rằng, căn cứ vào thực tế tại địa phương, với những biến động về đất đai cũng như nhu cầu sử dụng đất thực tế của người dân, mong rằng dự thảo Luật lần này sẽ đưa thời hạn cấp bìa đất nông nghiệp từ 50 năm xuống 25 năm là hợp lý.

Theo thống kê từ Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương, sau khi triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về góp ý dự thảo Luật đất đai, có 17/17 xã đã tiến hành triển khai tổ chức các hội nghị trực tiếp tại thôn bản, UBND cấp xã để ghi nhận các ý kiến đóng góp của Nhân dân một cách cụ thể. Qua ghi nhận cho thấy có rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực,  người dân quan tâm và chú trọng về góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này. Đơn cử như việc tại Điều 66 về kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh thì cần bổ sung thỏi hạn về định kỳ hàng năm hoặc 5 năm một lần về kiểm tra, xác định...điều đó tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như góp phần phòng chống tham nhũng; Trước thực trạng đất nghĩa trang, nghĩa địa đang có những hành vi như tự ý bao chiếm, xây dựng đồ sộ...dẫn tới phá vỡ quy hoạch đất nghĩa địa của địa phương, do đí cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, cụ thể hóa rõ ràng trong Điều 205;...

“Sau khi triển khai sâu rộng trong nhân dân, cho thấy người dân địa phương quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích. Mặt trận Tổ quốc huyện đã tổng hợp báo cáo gửi tỉnh kịp thời. Đa phần người dân mong sát sao về giá đất khi thu hồi dự án, thu hồi đất làm dự án cần dứt điểm...cụ thể hóa chi tiết trong Luật”, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Tương Dương Vi Thị Ngọc bày tỏ.

Chính quyền rõ trách nhiệm

Xem qua bảng tổng hợp ý kiến người dân một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy không chỉ người dân, mà trách nhiệm của Cấp ủy chính quyền, UBMTTQ, UBND các huyện đã thực sự chú trọng, nêu cao trong vấn để này. Từ việc triển khai thực hiện bằng văn bản, đến công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông như, đặc biệt là những chiếc loa phát thanh của xã, phường...trở nên những kênh tuyên truyền sôi động, hữu ích, từ đó màn lại hiệu quả góp ý cao từ Nhân dân.

Đơn cử như huyện Con Cuông, với 11 trang giấy A4 dày đặc những ý kiến đóng góp được chắt lọc từ 13 đơn vị hành chính (1 thị trấn, 12 xã). Trong đó đáng chú ý như về lĩnh vực đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính dữ liệu, thông tin đất đai có tới 5 ý kiến, liên quan việc thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có tới 11 ý kiến, như: Tại điểm b, khoản 2, Điều 64 đề nghị bổ sung thêm công trình cấp nước sạch, công trình thoát nước mưa, nước thải; Tại khoản 4, Điều 3 nêu khái niệm lợi ích vật chất là chung chung, cần ghi rõ bồi thường bằng tiền, bằng đất hoặc bằng lợi ích vật chất tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất tương ứng bị thu hồi; Khoản 5, Điều 78 và điểm a khoản 2 Điều 128 đang mâu thuẫn, sẽ tạo ra cách hiểu, vận dụng khác nhau gây khó khăn cho cơ quan thực hiện thu hồi, bồi thường;....

Người dân cũng như chính quyền thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông đã có nhiều đóng góp ý kiến trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này. 
Người dân cũng như chính quyền thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông đã có nhiều đóng góp ý kiến trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này. 

TP Vinh dường như được xem là địa phương nóng nhất về chuyện đất đai trong thời gian qua, ngoài việc quy hoạch, mở rộng thêm TP theo hướng biển. Đất đai ở TP Vinh biến động lớn, quỹ đất tuy không còn dôi dư nhưng nếu công tác sáp nhập hoàn thành thì mở rộng thêm diện tích, kéo theo đó sẽ có nhiều biến động về đất đai.

Trong góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này, người dân TP Vinh đã có nhiều ý kiến, quan điểm góp ý rõ ràng. Đáng chú ý như: Về vấn đề quy hoạch kế hoạch sử dụng đất việc quy định 10 năm là quá dài, đề nghị giảm xuống 5 năm là phù hợp...; Về vấn đề thu hồi đất tại Điều 80 nêu việc đất dự án chậm tiến độ 48 tháng thì thu hồi, đề nghị điều chỉnh thành 36 tháng chậm tiến độ thì sẽ thu hồi, nhưng cũng cần quy định rõ chậm tiến độ do không đưa đất vào sử dụng và chậm tiến độ sử dụng đất...; Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;...

Cũng chung tâm tư như TP Vinh, người dân thị xã Cửa Lò sắp tới đây sẽ trở thành công dân TP Vinh. Qua các cuộc khảo sát, lấy ý kiến từ chính quyền thị xã cho thấy, người dân rất đồng thuận, quan tâm sửa đổi Luật đất đai để phù hợp với những biến động hiện nay. Có nhiều góp ý, đóng góp quan trọng như: Nên bỏ khung giá đất xây dựng bằng giá đất sát với giá đất thị trường để khắc phụ tình trạng thất thoát tiền sử dụng đất, tham nhũng tiêu cực. Nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau về xác định thế nào để giá đất sát với thị trường thì cần phải định lượng và quy định cụ thể; Một số ý kiến kiến nghị về đấu thầu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh thông thầu, bỏ thầu; Cần sử dụng công cụ thuế điều chỉnh, nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai. Đánh thuế cao với những người và tổ chức có nhiều đất với những người có nhiều đất mà không đưa vào sử dụng, những lô đất được sang tên, đổi chủ trong thời gian ngắn. Xây dựng các dữ liệu thông tin về đất đai và thường xuyên cập nhật các biến động về đất đai phục vụ cho công tác quản lý có hiệu quả....

Đóng góp ý kiến dự thảo Luật đất đai lần này, người dân TP Vinh, người dân thị xã Cửa Lò hết sức quan tâm, nhiều ý kiến thiết thực. 
Đóng góp ý kiến dự thảo Luật đất đai lần này, người dân TP Vinh, người dân thị xã Cửa Lò hết sức quan tâm, nhiều ý kiến thiết thực. 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Lâm, Trưởng ban Dân chủ, pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tính Nghệ An cho biết: Thực hiện nhiệm vụ lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã có những văn bản, sát sao về các huyện, xã, kịp thời triển khai, ghi nhận những ý kiến đóng góp từ nhân dân. Ngoài ra còn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến, phản biện, mời chuyên gia về lĩnh vực này tham gia để có chiều sâu, mang lại những kết quả cao trong việc đóng góp ý kiến...Toàn bộ những nội dung cần kíp, chỉnh sửa trong Luật để phù hợp, sát sao hơn về thực tế tại địa phương thì đã làm báo cáo cụ thể gửi cấp trên theo đúng tinh thần chỉ đạo.”.

 

Theo báo cáo thống kê từ UBND tỉnh Nghệ An, liên quan nhiệm vụ triển khai góp ý dự thảo sửa đổi bổ sung Luật đất đai lần này cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức 1.029 cuộc hội nghị, hội thảo; đã nhận được 9.417 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã có báo cáo gửi Trung ương về những góp ý cụ thể thu nhận được từ việc lấy ý kiến góp ý sâu rộng trong Nhân dân, các chuyên gia, cơ quan thẩm quyền...