Bà Phạm Thị Huệ (1962, thôn Thủy Khê, xã Chi Khê) trăn trở: gần chục năm qua, chúng tôi luôn phải sống trong lo lắng, đặc biệt mỗi mùa mưa lũ, gần như xuyên đêm không dám ngủ vì sợ đất lở, cuốn hết nhà cửa, tài sản...
Cách cầu treo Bãi Ổi bắc qua sông Lam, qua địa bàn xã Châu Khê khoảng 300m, vùng hạ lưu có khoảng 10 hộ dân sống dọc bãi bồi ven sông. Theo các hộ dân, khoảng 10 năm nay, toàn bộ đất canh tác phía sau nhà đã nằm dưới dòng chảy mới của sông Lam.
Dòng sông Lam vốn cách xa làng, nhưng do thay đổi dòng chảy, nay đang dần từng bước gây sạt lở đất, nguy cơ gây sạt lở nhà dân.
"Thực sự rất sợ, nếu thêm vài đợt lũ như vừa qua, chắc nhà cửa sẽ trôi theo lũ mất. Mong chính quyền các cấp quan tâm, có biện pháp để đất không tiếp tục sạt lở nếu không sẽ không giữ được nhà cửa...”, bà Huệ và nhiều người dân có mặt tại điểm sạt lở cách nhà 20m băn khoăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 100 mét dọc dòng chảy mới của sông Lam cách nhà của các hộ dân khoảng chừng 20m, đất nứt toác chạy dài, sạt lở kéo theo cây cối, những khóm tre lớn nằm dưới dòng nước.
Có mặt tại khu vực sạt lở đất đe dọa cảnh sông nuốt nhà của người dân, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông Lang Anh Hưng bày tỏ sự cảm thông, nỗi lo lắng với người dân trước những rủi ro, nguy hiểm họ đang đối diện.
Ông Hưng cho biết, người dân cũng đã kiến nghị rất nhiều, địa phương cũng hết sức trăn trở, cũng từng nghiên cứu nhiều biện pháp nhưng chưa hiệu quả, việc sạt lở đe dọa tài sản, nhà cửa người dân vẫn hiện hữu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Trần Anh Tuấn cho rằng, trước rủi ro do sạt lở khu vực hạ lưu cầu Bãi Ổi, địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh có phương án, kinh phí để thực hiện, nhằm ngăn chặn hiện trạng đe dọa tài sản, tính mạng người dân.
Đến nay thì vẫn chưa có nguồn kinh phí phân bổ để xử lý, địa phương cũng đang tiếp tục kiến nghị và lên phương án huy động các nguồn kinh phí để có thể khắc phục việc sạt lở, ngăn chặn rủi ro.