Nghệ An sẽ xử lý như thế nào với những dự án mang tên "bánh vẽ"?

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm nay, Nghệ An là điểm dừng chân lý tưởng cho các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy nhưng, hiện địa phương này cũng đang hết sức "đau đầu" với các dự án mang tên "bánh vẽ".

"Bánh vẽ” trên giấy

Nhắc tới dự án "bánh vẽ” có lẽ nhiều người dân Nghệ An chẳng thấy mới lạ. Bởi với họ, sống mòn mỏi, thấp thỏm cả chục năm bên các dự án này... đã trở thành một phần trong cuộc sống. Người dân nơi đây thường ví von các dự án đó là: “dự án đầu voi, đuôi chuột” hay kiểu "bánh vẽ" ngọt ngào nhưng ăn thì thấy "chát đắng”... Chuyện dự án treo, dự án chậm tiến độ cả chục năm, sau khi làm lễ khởi công tưng bừng rồi quây tôn, “đắp chiếu” nằm im lìm trở thành một chủ đề khá nổi tại tỉnh này.

Điểm sơ qua, riêng địa bàn TP Vinh đã đưa vào kiểm tra, giám sát 53 dự án chậm tiến độ. Thậm chí, có những dự án treo cả chục năm.. Trong đó, có những dự án chưa đạt mục tiêu cam kết, xin gia hạn lần đi lượt lại, vẫn chưa triển khai, quây tôn quanh năm hoặc làm qua loa phần móng như để chống chế với cơ quan chức năng...

Đã hơn chục năm qua, dự án Khu đô thị Dầu Khí vẫn là bãi đất trống. (Ảnh chụp vệ tinh khu vực dự án).
Đã hơn chục năm qua, dự án Khu đô thị Dầu Khí vẫn là bãi đất trống. (Ảnh chụp vệ tinh khu vực dự án).

Điển hình cho các dự án này là Khu đô thị Dầu khí Nghệ An ở phường Vinh Tân (TP Vinh), do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư, nay là liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An và Công ty CP Hanviland. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào tháng 11/2010.

Năm 2016, dự án nằm trong danh sách được đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra và cho gia hạn đến ngày 30/7/2018 phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang là bãi đất trống, chưa được triển khai.

Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại phường Hưng Dũng, ngay mặt đường Đại lộ Lênin, do Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư. Được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2010 với tổng diện tích được giao thực địa là 4.056m2.

Năm 2018, dự án này được UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Nghệ An 1.500m2. Và Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Nghệ An lại tiếp tục chuyển nhượng diện tích đất này cho Công ty CP Hoa Sen. Trên diện tích hơn 4.056m2 ban đầu của 1 dự án với 1 chủ đầu tư, nay có 3 dự án của 3 nhà đầu tư, dự án dường như bị “băm nát”. Dự án này cũng đã được đoàn liên ngành UBND tỉnh tổ chức kiểm tra 3 lần vào năm 2013, 2016 và 2021. Hiện tại, dự án triển khai được một phần và diện tích chưa xây dựng còn hơn 2.606m2.

Dự án Văn phòng làm việc và Trung tâm Giới thiệu sản phẩm tại xã Nghi Phú, nằm ở mặt đường Xô viết - Nghệ Tĩnh, do Công ty TNHH Hiếu Thành Lộc làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 từ năm 2008. Dự án được đoàn liên ngành của UBND tỉnh kiểm tra 3 lần và qua 3 lần gia hạn: Lần 1 gia hạn đến 16/3/2019; lần 2 gia hạn đến 30/01/2020 và lần 3 gia hạn đến 18/01/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ xây dựng được mấy cọc trụ bê tông như để chống chế...

Dai dẳng những dự án "chậm, treo" tiến độ

Chuyện dự án treo, chậm tiến độ, quây tôn cả chục năm... trở thành quen với nhà đầu tư. Bởi bằng những chiếc "bánh vẽ" này, nhà đầu tư đã được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện, giao đất, làm thủ tục... 

Vậy nhưng, hàng chục năm đã trôi qua, người dân sống quanh dự án luôn phải chịu cảnh mong đợi, hi vọng dự án triển khai để được giải tỏa, di dời, đền bù... Còn chính quyền nhức đầu với đơn thư, khiếu nại, ý kiến cử tri... Mọi hệ luỵ phát sinh từ các dự án này, chính quyền và người dân cứ phải đi “gánh” cho nhà đầu tư.

Tài nguyên lãng phí, ngân sách thất thu, còn người dân sống mòn bên trong, bên cạnh dự án, muốn đi cũng chịu, ở thì xây dựng cũng chẳng được vì đã vướng quy hoạch...

Không chỉ thế, những dự án quây tôn, nằm im ấy còn ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, làm mất mỹ quan đô thị... 

Ví như, Khu đô thị Đồng Dâu được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 5/10/2010. Theo tiến độ, dự án sẽ khởi công xây dựng trong quý IV/2010, hoàn thành trước tháng 12/2015.

Dự án Đồng Dâu được xem là miếng bánh béo bở của nhà đầu tư nhưng lại lắm tai tiếng và khiến cư dân bất bình vì "bánh vẽ".
Dự án Đồng Dâu được xem là miếng bánh béo bở của nhà đầu tư nhưng lại lắm tai tiếng và khiến cư dân bất bình vì "bánh vẽ".

Dự án này do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Huệ (gọi tắt là Công ty CP Đại Huệ, có địa chỉ tại phường Hưng Dũng, TP Vinh) làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng, trên tổng diện tích gần 9ha.

Một vài kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, các hạng mục chưa thực hiện gồm: Mương thoát nước, đường giao thông chưa rải thảm và chưa bó vỉa, hệ thống điện chưa có cáp ngầm điện sinh hoạt, điện chiếu sáng đường nội bộ. Các công trình an sinh xã hội: nhà trẻ, nhà văn hóa khu dân cư, khu thể dục thể thao, khu cây xanh cũng chưa được xây dựng. Hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường, hệ thống thông tin viễn thông chưa xây lắp. Nhà chung cư xã hội và siêu thị cũng chưa xây dựng...

Từng bị phạt 80 triệu đồng do hàng loạt bất cập, trong đó, đáng chú ý, khi đi vào hoạt động, dự án vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không có mương để thu gom nước mưa chảy tràn. Với rác thải sinh hoạt, doanh nghiệp chưa bố trí thùng rác trước nhà ở liền kề, trên các trục đường giao thông nội bộ, khu công cộng, chưa ký hợp đồng thu gom rác thải hàng ngày với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý. Và thậm chí, còn bị cưỡng chế tài khoản do chây ì nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian dự án được gia hạn là 2.252.287.491 đồng.

Ai ngờ rằng những dự án tưng bừng khởi công, một chiếc “bánh vẽ” với cam kết “trên mây”, bỗng trở thành sự bất bình cho cư dân cũng như gánh nặng tài chính, quản lý, thất thu ngân sách thì chính quyền lại phải mang, vậy chăng liệu có đáng?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần