Nghệ An: tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghệ An lâu nay được xem là thị trường kinh doanh khá sôi động về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG, khí gas), cũng vì thị trường lớn, hoạt động kinh doanh lĩnh vực này cũng đã và đang diễn ra nhiều bất cập cần được quản lý chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng.

Dù lao động trong môi trường nhiều rủi ro, độc hại nhưng công nhân vẫn rất thờ ơ, còn doanh nghiệp thì buông lỏng.

Vẫn còn chủ quan, thiếu an toàn

Theo số liệu thống kê từ Sở Công thương Nghệ An cung cấp, hiện toàn tỉnh có 12 đơn vị, doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh lĩnh vực khí gas, trong đó có 6 đơn vị có cơ sở sang chiết lớn.

Về đơn vị sang chiết gồm có: Công ty Cổ phần dầu khí Epic; Công ty dầu khí Sài Gòn - Nghệ An; Công ty phát triển khí hóa lỏng Miền Trung; Công ty dịch vụ khí đốt Nghệ An; Công ty TNHH dịch vụ thương mại Cầu Hưng; Công ty TNHH đầu tư phát triển Tân Đại Phát.

Qua ghi nhận tại một số đơn vị có cơ sở sang chiết gas nêu trên, như Công ty dầu khí Sài Gòn - Nghệ An, Công ty TNHH đầu tư phát triển Tân Đại Phát cho thấy, các đơn vị này còn khá lỏng lẻo, thiếu an toàn trong quá trình tổ chức thực hiện sang chiết gas, đặc biệt là vấn đề an toàn lao động.

Theo ghi nhận của phóng viên, người lao động quá trình làm việc tại các đơn vị này hoàn toàn không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động theo quy định, sang chiết gas trong điều kiện rủi ro cao nhưng lại bất chấp các quy định về an toàn lao động...

Lao động trong môi trường nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng người lao động và cả doanh nghiệp chưa thực sự ý thức.
Lao động trong môi trường nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng người lao động và cả doanh nghiệp chưa thực sự ý thức.

Về hành vi chiếm dụng bình gas, mới đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, các đơn vị chức năng đã phối kiểm tra phát hiện tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Cầu Hưng (thị xã Hoàng Mai) đang giữ 2.933 vỏ bình gas của nhiều thương hiệu gas. Trước hành vi bất thường này, lực lượng chức năng tiến hành lập biển bản, thu giữ các tang vật liên quan để làm rõ hành vi và xử lý theo quy định.

Theo nhận định từ Sở Công thương Nghệ An, việc quản lý kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Đơn cử như: vẫn xảy ra tình trạng thu gom, chiếm dụng bình ga, sang chiết gas trái phép; nhiều đối tượng thu gom tiến hành mài nhãn hiệu trên vỏ của chủ sở hữu, thay đổi kết cấu, lô gô biến thành bình ga của mình rồi tung ra thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp tiềm ẩn nguy hiểm về tính mạng cho người sử dụng.

Xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới chiếm lĩnh thị phần kinh doanh; việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy trong kinh doanh, vận chuyển khí gas chưa thật sự nghiêm túc.

Tăng cường quản lý Nhà nước

Nhận diện những “lỗ hổng” nêu trên từ các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở Công thương Nghệ An đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng, tăng cường hơn nữa công tác quản lý lĩnh vực này, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm với tinh thần quyết liệt nhất.

Yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời xử lý các hành vi chiết nạp, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về chất lượng, đo lường...

Thị trường gas sôi động nhưng kéo theo là những hệ lụy mà sắp tới đây cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt quản lý hơn.
Thị trường gas sôi động nhưng kéo theo là những hệ lụy mà sắp tới đây cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt quản lý hơn.

Sở Khoa học & Công Nghệ thường xuyên tổ chức kiểm tra đo lường, chất lượng khí lưu thông trên địa bàn. Kiểm tra xử lý, hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm về nhãn hiệu, nhãn mác. Các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của các cửa hàng bán lẻ khí gas. Yêu cầu các cơ sở bán lẻ phải kinh doanh hàng hóa nguồn có nguồn xuất xứ, đủ điều kiện lưu thông trên thị trường phù hợp với hợp đồng...

Các phòng ban chức năng của Sở Công thương, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn của các cơ sở kinh doanh. Kiểm tra kiểm soát các chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch khẩn cấp đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận...kiểm tra các điều kiện cấp phép Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp vào chai, xe bồn, phương tiện vận tải...