Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề dệt chiếu ở Quảng Ngãi

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thời, tấm chiếu cói dệt tay ở Quảng Ngãi ngược xuôi khắp các vùng miền của đất nước để đến với người dùng. Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến đổi của cuộc sống, nghề chiếu thủ công dần mai một, nhường chỗ cho chiếu dệt bằng máy móc hiện đại.

Nghề lấy công làm lời

Trời còn tờ mờ sáng, ông Huỳnh Khưu (thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) đã ra mé sông thu hoạch đám cói vừa đến vụ. Luôn tay cắt cói, dồn thành bó rồi cột lại, ông Khưu gánh cói về nhà. Thả “uỵch” bó cói nặng trĩu xuống sân, ông Khưu lấy ống tay áo lau vội mồ hôi rồi ngồi xuống thở dốc: “Lớn tuổi, sức yếu nên làm gì cũng ì ạch. Vào mùa nắng là lo đi từ sáng sớm, chứ trưa là nóng không chịu nổi”.

Cói được nhuộm màu, phơi khô.
Cói được nhuộm màu, phơi khô.
 

Theo các nhà nghiên cứu, nghề dệt chiếu ở Quảng Ngãi có từ lâu đời. Nghề này đã đi theo những người nông dân Thanh Hóa vào vùng đất xứ Quảng vào thế kỷ XV. Tuy nhiên, sự quần tụ để hình thành làng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lại diễn ra vào khoảng thời gian tiếp theo. Địa bàn có làng nghề dệt chiếu là vùng ven biển Quảng Ngãi.

Nghỉ mệt chừng chục phút, ông Khưu lôi đống cói ra chẻ, vừa làm vừa giải thích: “Cói tươi thu hoạch về mang ra chẻ, sau đó đi phơi. Ai làm chiếu trắng thì cứ thế mang về dệt rồi hấp, còn gọi là luộc chiếu, sau đó phơi khô lần nữa. Từ chiếu trắng mà muốn thêm các họa tiết, chữ, số thì mang in trước khi hấp. Chiếu rằn lại khác, nó có nhiều màu xen lẫn nên đống cói này phải mang đi nhuộm màu trong nước sôi, sau đó phơi khô rồi dệt”.

Từ khi mới sinh ra, ông Khưu đã quen với mùi cói và những sắc màu của làng chiếu. Nhịp điệu của con thoi và khung dệt ru ông vào trong giấc ngủ. Chưa đầy chục tuổi, ông Khưu tường tận từng thao tác chẻ cói, nhuộm màu, trao thoi…

Ông Khưu, bà Hiền dệt chiếu thủ công.
Ông Khưu, bà Hiền dệt chiếu thủ công.

Nghề chiếu là cái nghề lấy công làm lời, phải thức khuya, dậy sớm và… đau lưng. Mỗi chiếc chiếu được dệt từ hàng ngàn sợi cói nhỏ. Chiếu có nhiều kích cỡ, một mét, rồi mét hai, mét tư, mét sáu..., tùy vào độ dài của cói. Dệt xong thì cắt biên, rồi giắt mối. Để ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn, mà công đoạn nào cũng làm bằng tay nên tốn rất nhiều thời gian. Thời trước còn cực hơn, cói xấu, sợi ngắn nên phải chắp, nối cho dài ra rồi mới mang dệt.

Chưa hết, khi dàn ra khung, để định hình cho chiếu còn phải có thêm sợi trân. Sợi trân như chiếc xương sống nằm dọc cố định chiếc chiếu. Thời trước, người ta se trân thủ công từ sợi đay tước nhỏ. Bây giờ trân được làm sẵn thành cuộn, chỉ việc mua về làm.

Sợi trân được se thủ công từ sợi đay tước nhỏ.
Sợi trân được se thủ công từ sợi đay tước nhỏ.

“Nghĩ lại hồi trẻ, ngày ngồi dệt, tối còn thắp đèn dầu rồi chắp trân, chắp cói, chai cả bàn tay, có ngón bị mòn vẹt luôn một bên. Giờ là sướng lắm rồi đó, nhưng mà dệt được chiếc chiếu cũng còng hết lưng”, bà Đặng Thị Hiền- vợ ông Khưu cười, kể lại.

Ông Khưu, bà Hiền thường làm chiếu cùng nhau. Một người trao thoi, một người dệt, phối hợp càng nhịp nhàng thì tốc độ làm càng nhanh. Trung bình, người lành nghề, chừng một tiếng rưỡi đến hai tiếng dệt xong 1 tấm chiếu. Người làng có thói quen tính chiếu thành đôi, làm khẩn trương, ngày có để được 2 đôi rưỡi chiếu.

Những người bán chiếu rong

Bên cạnh việc bỏ mối cho tiểu thương ở phố Thu Xà, chợ Phú Thọ gần bên, người làm chiếu còn trực tiếp mang chiếu đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong cả nước. Gom chừng vài trăm đôi, người dân lại tìm gửi xe, gửi thuyền, mang chiếu đi bán.

Phơi chiếu trước khi mang bán.
Phơi chiếu trước khi mang bán.

Từng rong ruổi khắp các nơi, từ miền xui đến miền ngược, từ Tây Nguyên vào Nam Bộ để bán chiếu, ông Đỗ Huynh (thôn Khánh Lạc) không đếm nổi trong suốt gần 60 năm qua, ông đã có bao chuyến đi như thế.

“Mỗi chuyến đi thường từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi, tùy vào việc bán nhanh hay bán chậm. Bán xong hết số chiếu mang theo là mừng dữ lắm, bắt xe về nhà ngay. Ở nhà vợ con, cha mẹ đang ngóng về. Mình về nhà là mình mang theo tiền mà, vui như Tết”, ông Huynh cười.

Trong làng, khá nhiều người mang chiếu đi bán như ông Huynh, chủ yếu là nam giới. Ông Khưu cũng từng đi bán, mỗi năm vài bận. Theo chân cánh đàn ông, tấm chiếu cói ngược xuôi khắp các vùng miền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Tây Nguyên đến Nam Bộ.

“Bán chiếu cũng phải có “chiêu”. Muốn bán được nhanh thì lựa thời điểm hợp lý. Miền biển thì lựa lúc ghe thuyền đi đánh bắt cá về, miền núi hay đồng bằng thì lúc người ta thu hoạch xong. Mấy lúc đó, người ta có tiền, mua chiếu nhanh lắm, mình bán cũng sướng nữa”, ông Khưu cười khà khà.

Về sau, phương tiện đi lại và kết nối phát triển dần, người ta không còn trực tiếp đi bán chiếu. Cứ gửi xe, gửi thuyền đến các đại lý để tiêu thụ. Trong làng chiếu, thỉnh thoảng vẫn có người rong xe lên các miền ngược trong tỉnh để bán cho đồng bào vùng cao, kèm theo chiếu cói còn có chiếu nilon, võng… để người mua có thêm lựa chọn. Tấm chiếu cói không còn là mặt hàng duy nhất.

Bây giờ, chiếu được bày bán rất phổ biến trong các hàng tạp hóa, chợ, siêu thị… Gánh chiếu rong hết thời. Cánh đàn ông bôn ba tứ xứ bán chiếu giờ chủ yếu đã đổi nghề, số lớn tuổi ở nhà lo giữ đám cháu nhỏ lít nhít để ba mẹ chúng an tâm làm ăn.

Vang bóng một thời

Giáp với Nghĩa Hà, xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa) cũng một thời từng được xem là “thủ phủ” của chiếu cói. Những tấm chiếu thủ công từng góp phần làm nên thương hiệu của phố Thu Xà khi xưa. Thời hưng thịnh, người người, nhà nhà ở đây đều làm chiếu. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa rỉ tai nhau: “Ai về Tư Nghĩa, Thu Xà/ Nhớ mua đôi chiếu làm quà đón dâu”.

Theo những cụ cao niên, chiếu vùng Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa nức tiếng gần xa nhờ quy trình làm chiếu kỹ lưỡng và công phu. Có giai đoạn, người dân làng nghề không cần phải tìm mối tiêu thụ vì thương lái khắp nơi tự tìm đến đặt hàng. Sản phẩm làm ra đôi khi không kịp đáp ứng nhu cầu của cánh thương lái. Ngoài mấy héc ta trồng cói trong xã, thương lái còn mang cói ở vùng khác đến cung ứng cho các hộ dệt chiếu, thu nhập của người dân rất tốt. Nhiều người nhờ dệt chiếu mà xây được nhà, lo cho con cái ăn học đầy đủ.

Thời thịnh vượng dần qua, bây giờ, “đỏ mắt” mới tìm ra nhà còn dệt chiếu truyền thống. So với Nghĩa Hòa, bây giờ nghề chiếu thủ công ở Nghĩa Hà có phần nhỉnh hơn, nhưng số lượng cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bà Trần Thị Thu (thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà) chia sẻ: “Gia đình mấy đời làm chiếu, có chồng cũng làm nghề chiếu. Nhưng bây giờ, thị trường có nhiều sản phẩm, chiếu dệt bằng máy phát triển, người mua có nhiều lựa chọn, ít mua chiếu truyền thống nên người ta cứ bỏ dần, ngày càng ít người làm".

Dụng cụ để in chiếu truyền thống.
Dụng cụ để in chiếu truyền thống.

Nhờ làm chiếu, vợ chồng bà Thu xây được nhà và lo cho 3 đứa con. Nhưng dần dà, thu nhập từ nghề này ngày càng ít đi. Cách đây chừng 10 năm, gia đình bà Thu không còn dệt chiếu mà chuyển sang nhận chiếu thô từ các gia đình khác, mang đi in, hấp rồi bỏ mối. Bàn tay nhuốm đầy phẩm xanh, đỏ khiến chồng bà Thu và các con ngại ngùng khi giao tiếp. Rồi chỉ còn mình bà tươm mồ hôi bên những chiếc chiếu mới. Khoảng 5 năm gần đây, bà Thu bỏ hẳn nghề.

Cách nhà bà Thu chừng trăm mét, bà Trần Thị Ngà (thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà) cũng dần lơi khung dệt vì tuổi cao, sức yếu. “Gia đình nhiều đời làm chiếu truyền thống. Trong trí nhớ của tôi thì từ thời ông cố đã làm rồi, sau đó truyền đến, ông nội, cha tôi rồi tới tôi. Đời trước đó thì cũng đã làm rồi. Nhưng giờ tới tôi chắc là thôi. Mấy đứa nhỏ trong nhà thấy nghề chiếu cực mà thu nhập ít quá, chẳng đứa nào ưng. Học xong là tụi nó kiếm việc làm nơi khác hết”, bà Ngà trầm ngâm.

Rảnh rỗi, nhớ mùi cói, bà Ngà nhận thêm ít chiếu máy người ta làm ở thôn Hòa Bình (xã Nghĩa Hòa) về, “nhặt lông” cho chiếu trước khi mang tiêu thụ, kiếm thêm chút đồng ra đồng vào.

Bà Trần Thị Ngà "nhặt lông" chiếu.
Bà Trần Thị Ngà "nhặt lông" chiếu.

Nghề chiếu thủ công cứ thế dần mai một, nhường chỗ cho chiếu máy. Dù vậy, hàng trăm năm trôi qua, người dân ở những làng này vẫn sử dụng chiếu cói như vật thiết thân. Ngoài việc trải ra nằm hoặc dùng trong các lễ nghi, mỗi bữa cơm, người làng đều ngồi trên chiếu để ăn.

 

Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đề án Khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói Nghĩa Hòa và Nghĩa Hà. Các giống cói Mống Cái hoa vàng hay cói Nga Sơn (Thanh Hóa) được trồng thử nghiệm, nhưng không hiệu quả. Sản phẩm chiếu truyền thống cũng khó tìm đầu ra. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng cói đã chuyển đổi thành cây trồng khác, những hộ làm nghề cũng không còn bao nhiêu.

Hơn 90 tuổi, bà Nguyễn Thị Tần (thôn Khánh Lạc), có thói quen sờ tay mỗi lần ngồi vào tấm chiếu mới. Bà già rồi, mắt mờ, tay run nhưng vẫn rất chuyên nghiệp: “Chiếu máy nè bây, mỏng hơn chiếu tay. Bà rờ cái là biết liền… Chiếu dệt tay ngồi sướng hơn, bền hơn”, bà Tần so sánh. Rồi như nhớ nghề xưa, bà ngâm nga: “Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn/ Công em rày mưa nắng gió sương/ Chiếu này gởi khắp tứ phương/Gởi người quân tử trải giường nghỉ ngơi”.

Trời sập tối, bà Hiền tranh thủ giắt mối để hoàn thành tấm chiếu vừa dệt xong. “Hai năm rồi dịch dã, bán khó lắm. Mấy đứa nhỏ cứ bảo thôi nghỉ đi nhưng tui với ông Khưu không nỡ, bỏ thì thương mà vương thì tội. Giờ làm cũng lai rai chứ đâu sống nhờ nó nữa. Tôi mới bàn với ổng sang năm nghỉ trồng cói ở sông. Muốn làm thì mua cói về dệt cho đỡ cực. Trước lấy công làm lời, giờ bỏ công mà lời cũng không bao nhiêu…”, bà Hiền buồn thiu.

Vãn chuyện, bà Hiền tập trung làm rồi lo cơm tối. Trên tay bà, mũi kim gỗ thoăn thoắt giắt những mối thừa ở đầu chiếu cho gọn ghẽ. Ngoài sân, ông Khưu gom lại mớ cói vừa phơi khô lùa bầy gà vào chuồng. Đầu ngõ, đám con nít rủ nhau chạy thi về nhà, tiếng cười giòn tan vọng lại sau những bước chân rồi mất hút.