Nghề giúp việc gia đình thu hút tri thức trẻ vì thu nhập cao

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại diễn đàn Đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập diễn ra ngày 18/7, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng Ngô Thị Ngọc Anh cho biết: Nghề giúp việc gia đình đang thu hút rất nhiều lao động trẻ có tri thức, kể cả sinh viên năm thứ nhất.

Ảnh minh họa
Theo bà Ngọc Anh phân tích, sở dĩ nghề giúp việc gia đình thu hút người trẻ có trình độ vì mức lương cao, trung bình là 32.000 đồng/giờ trong khi bán hàng thuê chỉ được 12.000 đồng/giờ. Thu nhập trung bình tháng của lao động giúp việc gia đình tăng từ 3 triệu đồng năm 2014 lên 4 triệu đồng năm 2017. Mức thu nhập này cao hơn so với thu nhập của một số công việc tương đương khác. Không chỉ thế, còn mang lại cơ hội việc làm góp phần giảm thiểu thất nghiệp ở vùng nông thôn.

Nhu cầu giúp việc gia đình đang tăng không ngừng. Phía cung không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng đang trở thành thách thức rất lớn trong thị trường lao động của chúng ta. Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động quốc gia, số lượng việc làm liên quan tới giúp việc gia đình sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên tới 350.000 người vào năm 2020.

Tuy nhiên, hiện nay, những người làm giúp việc gia đình có trình độ học vấn thấp, chủ yếu làm việc theo thói quen. Họ làm các công việc như nội trợ, việc nhà, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người cao tuổi. Trung bình thời gian làm việc ban ngày là 10,5 giờ/ngày, ban đêm khoảng trên 30 phút.

Thời gian làm việc nhiều nhưng lao động giúp việc không được bảo đảm an toàn khi 41,6% người làm giúp việc phải ngủ chung phòng/chung giường với các thành viên khác trong gia đình người sử dụng lao động.

Những người làm nghề giúp việc gia đình gặp trở ngại về tâm lý bởi xã hội nghĩ công việc này dành cho người yếu thế nên khó trở thành sinh kế bền vững. Có tới 72,1% giúp việc gia đình tiềm năng chưa biết đến các quy định pháp luật liên quan về quyền và nghĩa vụ của mình và người sử dụng lao động. 98,4% giúp việc gia đình không qua đào tạo kỹ năng nghề. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến chất lượng công việc và thu nhập.

Không những thế, theo thống kê, mới chỉ có 22,2% giúp việc gia đình có bảo hiểm y tế; 2,8% có bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ ký kết hợp đồng bằng văn bản rất thấp.