Nghề làm nhà cổ ở Trường Yên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhịp sống hiện đại, khi điều kiện kinh tế khá giả, nhiều người có nhu cầu quay trở về với những ngôi nhà cổ. Xuất phát từ nhu cầu đó, nghề làm nhà cổ ở làng nghề mộc Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ vốn đã có thời gian bị mai một, nay được "sống lại" và từng bước khẳng định chỗ đứng.

Nghề của những bàn tay tài hoa

Đến thăm cơ sở sản xuất nhà cổ của ông Nguyễn Chí Điền, thôn Phù Yên, chúng tôi choáng ngợp trước những cột, kèo được đục đẽo tinh xảo, công phu dựng ngổn ngang. Ông Bùi Đức Doanh, một người thợ trong xưởng đã có thâm niên hơn 40 năm cầm đục cho biết, để dựng được mỗi ngôi nhà cổ cần có một người thợ cả thiết kế và làm "tổng công trình sư", chỉ huy cả dàn thợ phụ hàng chục người. Tùy vào mực thước, thiết kế của từng ngôi nhà mà cần nhiều hay ít công. Có ngôi nhà công phu cần đến hàng ngàn công lao động mới hoàn thành. Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ.

 
Chế tác chi tiết trong ngôi nhà cổ tại làng nghề Phù Yên, xã Trường Yên.  	Ảnh: Văn Thắng
Chế tác chi tiết trong ngôi nhà cổ tại làng nghề Phù Yên, xã Trường Yên. Ảnh: Văn Thắng
Cách đó không xa, xưởng làm nhà cổ của ông Nguyễn Chí Mười rộn rã tiếng lách cách đục đẽo của hàng chục tay thợ khỏe mạnh, rắn rỏi. Ông Mười cho biết, nghề làm nhà cổ xuất hiện ở Phù Yên từ lâu nhưng giai đoạn những năm 80 - 90 thì mai một dần và mãi những năm gần đây mới phát triển trở lại. Theo ông Mười, nghề làm nhà cổ giờ đây đã đứng vững được trên đôi chân của mình, bứt phá so với nghề mây tre đan truyền thống. Hiện tại, cơ sở của ông Mười tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động, thu lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.

Theo thống kê, thôn Phù Yên có hơn 100 xưởng sản xuất đồ mộc, trong đó có hơn 10 hộ chuyển hướng sang làm nhà cổ, còn lại làm đồ mộc dân dụng như giường, tủ, sập, bàn ghế… Giá thành sản xuất mỗi ngôi nhà cổ (diện tích 200m2) thấp nhất cũng 2 tỷ đồng, cao lên tới hàng chục tỷ đồng. Giá công cho đội thợ trung bình từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày. Riêng cánh thợ cả có tay nghề cao giá công khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Rộng cửa phát triển

Nhà cổ được làm bằng nhiều chất liệu gỗ như: mít, sến, táu, lim… song đắt nhất vẫn là gỗ đinh hương và gỗ lim, còn rẻ nhất là gỗ xoan. Với những công trình nhà lớn, hay còn gọi là "đại khoa" thì cần tới 120 khối gỗ để hoàn thành, còn những công trình "trung khoa" cần khoảng 60 - 70 khối. Hiện nay, sản phẩm nhà cổ Phù Yên đã có mặt ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam như Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Bến Tre… Theo ông Nguyễn Duy Đông - Trưởng thôn Phù Yên, do điều kiện kinh tế ngày càng khá giả, xuất hiện nhiều "đại gia" nên xu hướng làm nhà cổ được ưa chuộng hơn. Do đó, có thời điểm, những hộ sản xuất lớn phải khoán thêm việc cho các xưởng nhỏ để kịp hoàn thành hợp đồng.

Dù có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai nhưng theo các hộ làm nhà cổ, khó khăn hiện nay là nguồn gỗ nguyên liệu chưa đảm bảo. Bởi làm nhà cổ đòi hỏi phải có cây gỗ to, đường kính từ 1m trở lên. Thêm vào đó, mặt bằng phục vụ sản xuất trong làng nghề cũng còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, xây dựng nhà cổ đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi khách hàng thường chỉ ứng trước 30 - 50% chi phí. Do vậy, các hộ sản xuất mong muốn tiếp tục được tháo gỡ khó khăn để nghề làm nhà cổ có những bước phát triển vững chắc, trở thành động lực kinh tế của địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần