Thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) trưa 30/5 cho biết, phiên tòa sơ thẩm, xét xử đối tượng Lê Thị P. (trú tại TP Hà Nội) về hành vi buôn bán trái phép 1 cá thể rắn hổ mang chúa vừa được diễn ra tại Toà án Nhân dân huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ).
Trước đó, đối tượng Lê Thị P. đi xem bói và nghe lời thầy “phán” rằng phải nuôi rắn hổ chúa thì chồng mới “nghe lời” mình. Người này sau đó đã lên mạng xã hội Facebook để tìm mua 1 cá thể rắn hổ chúa với giá 10 triệu đồng.
Sau khi mua rắn về, đối tượng đã thả xuống bể sau nhà và đậy kín. Tuy nhiên, lo sợ rắn tấn công gây nguy hiểm, đối tượng P. đã quyết định bán cá thể rắn này. Sau khi rao bán trên Facebook và tìm được người mua lại với giá 31 triệu, đối tượng đã nhờ anh Đỗ Văn Đ. bắt giết và ngâm rượu.
Trên đường vận chuyển cá thể rắn ngâm rượu tới địa điểm giao hàng, đối tượng đã bị phát hiện và bắt giữ tại địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Rắn hổ chúa có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép rắn hổ chúa hoặc tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép rắn hổ chúa, sản phẩm, bộ phận từ chúng đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và có thể bị xử lý với mức phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tuy nhiên, rắn hổ chúa cũng là “món hàng” được săn đón vì nhiều người tin rằng rượu ngâm rắn hổ chúa có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Bên cạnh đó, trong trường hợp của đối tượng Lê Thị P., chỉ vì tin tưởng mù quáng vào lời “phán” mê tín của thầy bói mà đối tượng đã phải trả giá đắt cho hành vi của mình.