Đến nay, hầu hết công đoạn sản xuất tranh sơn mài được máy móc hỗ trợ nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi vẫn giữ trọn các khâu thủ công bởi tình yêu nghề sơn mài chưa khi nào vơi cạn.
Dấu ấn làng nghề Thủ đô
Giữa sắc sen Tây Hồ rực rỡ tại “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh phía Bắc”, gian hàng sản phẩm sơn mài Hạ Thái gây chú ý bởi sự tinh xảo, đẹp mắt trong từng sản phẩm. Những bình hoa gốm, bình hoa sứ, đĩa sứ, đĩa gỗ, bức tranh… đa dạng họa tiết sen đặc trưng là dịp để du khách chiêm ngưỡng và trò chuyện với người thợ, nghệ nhân 50 năm tuổi nghề.
Sinh ra trong gia đình có có truyền thống làm nghề sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi từ nhỏ được tiếp xúc với các kỹ thuật, làm tranh sơn mài. 16 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi đăng ký học và làm nghề tại hợp tác xã. Năm 1991, hợp tác xã giải thể, từ một người thợ quen với các công việc làm nghề thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi trở về vần vũ với công việc đồng áng, lội đồng.
Say nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi quyết định trở lại với công việc làm nghề đăng ký làm nhân công thời vụ cho các xưởng sơn mài để lấy ngắn nuôi dài. Ý tưởng “khởi nghiệp” mở xưởng năm 2003 đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được đánh giá là mạo hiểm thời điểm đó. Các sản phẩm làm ra chưa có nhiều đầu mối tiêu thụ, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi phải đạp xe từ Thường Tín lên phố Hàng Khay để giới thiệu, bán hàng.
Đam mê nghề, thổi hồn vào từng sản phẩm, đến nay sản phẩm sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi tạo dựng thương hiệu cá nhân. Không chỉ nổi tiếng nhất làng nghề Hạ Thái bởi sản phẩm tinh xảo, chi tiết mà còn bởi tư duy ứng dụng công nghệ sản xuất, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Hiện, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi giữ vai trò Giám đốc Hợp tác xã Sơn mài Hạ Thái, Chủ tịch Hội làng nghề Sơn mài xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, quy trình sản xuất tranh sơn mài gói gọn 20 công đoạn tỉ mỉ, khâu nào cũng quan trọng. Từ lựa chọn xử lý cốt gỗ, sơn mài sản phẩm, trang trí bạc, vỏ trứng… đến đánh bóng lớp sơn. Hiện nay, sản phẩm sơn mài trải qua 12-15 nước sơn đảm bảo độ bóng và độ bền của sản phẩm.
Điểm khác biệt lớn nhất của sản phẩm sơn mài Hạ Thái là mọi sản phẩm đều lấy chất liệu từ thiên nhiên, các chất liệu đến nét vẽ đậm đà văn hóa truyền thống: bến nước, cây đa, con đò lá trúc, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, hoa sen, hoa đào, hoa mai… Cùng với đó là kỹ thuật sơn mài thủ công, tạo dấu ấn riêng.
Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề sơn mài Hạ Thái có khoảng 70% hộ gia đình làm nghề. Các nhóm sản phẩm chính gồm: quà tặng, trang trí nội thất, đồ thờ tâm linh phục vụ xuất khẩu, khách hàng trong nước và quốc tế. Mỗi sản phẩm chất lượng được đo bằng tình sự hài lòng của khách hàng, các sản phẩm đặt hàng quốc tế và nội địa có số lượng lớn.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Kể từ năm 2020, làng nghề sơn mài Hạ Thái chính thức được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Phát huy danh hiệu, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm về cơ sở hạ tầng của làng nghề, khu trưng bày sản phẩm, vận động các gia đình, xưởng sản xuất trang bị cơ sở sản xuất, xây dựng các khu vực trải nghiệm một số công đoạn về quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài.
Đồng thời, vận động các hội viên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho làng nghề. Năm 2021, 2022 gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được UBND TP Hà Nội trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho các sản phẩm: lọ hoa sơn mài cốt gốm hình xoài; bình hoa sơn mài cốt gốm hoa sen; tranh sơn mài Tùng Hạc…
Đảm nhận vai trò Giám đốc Hợp tác xã Sơn mài Hạ Thái, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi định hướng phát triển làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn. Trong đó, các xưởng liên kết với nhau để đào tạo nghề cho các thế hệ trẻ trong vùng, phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Xưởng nghề của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi là xưởng tiên phong áp dụng các kỹ thuật mới vào làm tranh sơn mài. Đảm bảo sản phẩm bền, đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao. Đến nay, xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi là điểm đến yêu thích của nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế.
“Dù công nghệ có phát triển, ứng dụng kỹ thuật vào chế tác song để làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, bền, đẹp đòi hỏi kinh nghiệm của một người thợ lành nghề. Niềm trăn trở của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi là việc trao truyền tình yêu nghề cho thế hệ trẻ. “Tôi mong lớp trẻ ngoài việc học hành vẫn có nhận thức giữ gìn nghề truyền thống quê hương, phát huy bản sắc làng nghề địa phương” - nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi bày tỏ.
Với sự cống hiến cho làng nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (năm 2020); Bộ Công Thương trao tặng kỷ niệm chương (năm 2021); Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen (năm 2021); đạt danh hiệu Người tốt - Việc tốt tiêu biểu (năm 2022) và nhiều khen thưởng khác của UBND huyện Thường Tín trong gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống…
Mới đây, theo Quyết định số 3717/QĐ-UBND ngày 17/7/2024 nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi là một trong 8 cá nhân nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu Thủ đô được Chủ tịch UBND TP Hà Nội khen thưởng về thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, phố nghề TP Hà Nội năm 2024.