Nhiều người làng Bát Tràng đều biết “người đàn ông có đôi tay ma thuật” Phạm Anh Đạo (xóm 2 – xã Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội).
Anh Đạo trong một cuộc thi làm gốm.
Biết có người đến thăm nhưng anh Đạo vẫn cần mẫn làm việc. Chị Nguyễn Mỹ Trinh (SN 1980) – vợ anh Đạo trò chuyện cùng chúng tôi. Chị cho biết từ nhỏ anh đã chịu thiệt thòi. Cha mẹ sinh được 2 người con, anh Đạo là con cả nhưng lại gầy gò, ốm yếu, phải uống nhiều thuốc kháng sinh nên đôi tai bị ảnh hưởng. Khả năng nghe kém vì thế khả năng nói cũng bị hạn chế, lên 5 tuổi anh vẫn chưa biết nói, 10 tuổi chỉ nói được một số từ đơn giản.
Chị Nguyễn Mỹ Trinh thường phụ giúp anh những công đoạn đơn giản.
Dù biết con không được lành lặn như các bạn cùng trong lứa, nhưng bố mẹ vẫn đưa anh đến trường, mong muốn anh hòa nhập với bạn bè và biết được cái chữ, con số. Tuy vậy, anh cũng chỉ cố học hết lớp 6 vì không nghe được lời giảng của thầy cô.
Nghỉ học văn hóa, anh theo cha học nghề gốm. Khác hẳn lúc học ở trường, anh Đạo học làm gốm rất nhanh, học một lần là nhớ. Bệnh tật đã cướp đi đôi tai nhưng có lẽ ông trời thương cảm đã bù lại cho anh đôi tay như có “phép thuật”. Từ những cục đất vô tri vô giác, bàn tay anh đã nhào nặn những cục đất ấy tạo nên thông điệp và “tiếng nói” cho gốm.
Một số sản phẩm do anh làm trưng bày tại cửa hàng gốm Đạo – Trinh.
Anh Đạo tâm sự: “Biết mình không được lành lặn như người ta nhưng không muốn là gánh nặng của gia đình. Do đó tôi đã quyết tâm phải học nghề và tự nuôi sống mình bằng nghề”.
Cơn lốc công nghệ đã buộc nhiều làng nghề phải tự thay đổi, áp dụng máy móc, từ bỏ việc sản xuất thủ công. Nhiều gia đình mua máy móc hiện đại về sản xuất gốm hàng loạt cung ứng ra thị trường. Riêng anh Đạo vì niềm đam mê với gốm vuốt tay, mong muốn gìn giữ nét đẹp tinh hoa của nghề gốm cổ truyền nên anh kiên trì học hỏi, sáng tạo và đã làm nghề hơn 20 năm.
Sản phẩm gốm với những hoa văn tinh xảo.
Chị Trinh nhớ lại ngày đầu gặp anh tại hội diễn của làng, chị đã ấn tượng và cảm phục chàng trai có tài tạo ra các sản phẩm gốm từ đôi tay. Chính chị là người đã mở lời và làm quen với anh trước. Ít ai ngờ rằng một chàng trai khiếm thính sống trong gia đình không hề khá giả lại lấy được cô vợ trẻ đẹp, đảm đang.
Anh chị cùng trải qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống và sinh ra hai cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm.
Hai chiếc chóe “độc nhất vô nhị”, mỗi chiếc chóe có trọng lượng 5 tạ, chiều cao 1,95m, đường kính gần 1,2m do tự tay anh làm nhân dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chị vẫn thường trách anh: “Đi xa nhà, không được làm gốm một ngày là anh ấy đã thấy nhớ, nhưng có lẽ xa vợ con cả tuần cũng không thấy nhớ nhung gì”.
Trách cứ anh là vậy nhưng trong thâm tâm chị vẫn khâm phục tình yêu và niềm đam mê lớn lao với nghề, khâm phục sự quyết tâm, kiên trì theo nghề và giữ nghề của anh mà ít ai có can đảm làm được điều đó.
Lúc đầu, khách hàng đến với gốm của anh Đạo chỉ bằng sự tò mò vì một dòng gốm thuần khiết, mộc mạc của người Việt. Những năm gần đây khi tài năng và sản phẩm gốm do anh làm ra đã được nhiều người hiểu và công nhận giá trị, anh chị đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Hiện tại xưởng gốm của gia đình anh thu nhập được khoảng 400 – 500 triệu đồng/năm, có 3 thợ phụ việc.
Những bằng khen, giấy khen anh Đạo đã nhận được.
Chị Trinh cho biết: “Nhiều người trong và ngoài nước có cùng đam mê với những sản phẩm gốm làm tay truyền thống đã tìm đến anh để học nghề. Anh thường xuyên phải xa gia đình khi có nhiều nơi mời anh về truyền dạy nghề gốm truyền thống”.
“Người ta sản xuất gốm bằng công nghiệp thì dù làm cả 1.000 sản phẩm cũng đều giống nhau. Nhưng sản phẩm của anh luôn được đánh giá là hàng độc và không bao giờ “đụng hàng” dù sản phẩm ấy do chính anh làm ra trong cùng một thời điểm, cùng một người, cùng chất đất”, chị Trinh nhận xét.
Với lòng yêu nghề và quyết tâm giữ nghề, năm 2006, anh Đạo vinh dự được đón nhận danh hiệu Thanh niên Thủ đô tiêu biểu, đoạt giải xuất sắc trong hội thi Bàn tay Vàng nghề gốm sứ. Anh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô năm 2009. Đầu năm 2012, anh được công nhận là nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.