Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người tìm đến nhà nghệ nhân Hoàng Nhân để sửa đàn, chỉnh cho tiếng đàn hay hơn, nhằm chuẩn bị cho những chương trình âm nhạc dịp Tết.
Nghệ nhân Hoàng Nhân tên thật là Huỳnh Văn Đơn (63 tuổi, ngụ tại Chung cư 91B, TP Cần Thơ) chuyên sửa nhạc cụ truyền thống, nổi tiếng khắp các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.
Từ tình yêu âm nhạc
Theo nghệ nhân Hoàng Nhân, ông bén duyên với nghề sửa nhạc cụ truyền thống bởi tình yêu âm nhạc, đam mê này đã bắt đầu khi ông còn nhỏ. Từ năm 9 - 10 tuổi, trong gia đình ông có người anh thứ 4 được thầy dạy đàn đến nhà kèm cặp. Tranh thủ lúc anh trai nghỉ giải lao, nghệ nhân này đã mượn đàn đánh thử.
Lúc này, thầy dạy đàn bất ngờ với năng khiếu bẩm sinh của ông Huỳnh Văn Đơn nên nhận ông làm học trò và tận tình dạy bảo. Sau khoảng thời gian được học đàn, ông Đơn mày mò học thêm đóng đàn.
Chia sẻ về bí quyết nhiều khách hàng từ các tỉnh, thành đều tìm đến chỉnh sửa đàn, ông Huỳnh Văn Đơn chia sẻ: “Đầu tiên, tôi đã có kinh nghiệm đóng đàn từ năm 19 tuổi, thế nên tôi am hiểu các bộ phận của nhiều loại đàn. Bên cạnh đó, tôi cũng biết chơi khá nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Chính vì biết chơi đàn, tôi hiểu được âm sắc mỗi loại thế nào là hay, để chỉnh cho phù hợp, gảy lên là thấy hay liền.”
“Nguyên nhân cuối cùng là tôi rất “cưng” các loại nhạc cụ. Chỉ khi mình yêu các loại nhạc cụ, nâng niu mỗi cây đàn như chính báu vật của mình mới có thể kiên nhẫn sửa được đàn và chỉnh được âm thanh hay. Ví như khách mang đàn đến chỉnh âm, nhưng thấy hư hao chỗ khác, tôi cũng sửa và làm vệ sinh cho sạch đẹp giúp khách” - nghệ nhân Hoàng Nhân nói.
Là một khách hàng thân thiết của nghệ nhân Hoàng Nhân, anh Bảo Minh (ngụ TP Cần Thơ) chia sẻ: “Điều tôi thích đem đàn đến đây sửa là do anh Nhân là người am hiểu sâu sắc về loại nhạc cụ. Khi sửa đàn, anh Nhân không đơn thuần là “chữa bệnh” cho cây đàn, anh còn biết cách làm cho cây đàn phát ra thanh âm nghe đã nhất, cuốn hút nhất”.
Hơn 36 năm làm “bác sĩ” chữa bệnh cho các loại đàn
Sau hơn 36 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Hoàng Nhân có thể chơi thuần thục 7 loại nhạc cụ và sửa được hầu hết các loại đàn cổ, như: Đàn tranh; đàn bầu; đàn sến; đàn gáo; đàn kìm; đàn cò và các loại guitar điện, violin… Ngoài sửa đàn, nghệ nhân Hoàng Nhân cũng đi đánh đàn cho các trung tâm văn hóa theo lời mời.
Trong các loại nhạc cụ, nghệ nhân Hoàng Nhân nhận sửa nhiều nhất là đàn kìm. Đàn kìm là một loại nhạc cụ quan trọng trong đờn ca tài tử và cải lương. Tuy nhiên, khi sử dụng một thời gian, nếu người đánh đàn không giữ kỹ thì bộ dây đàn bị giãn hoặc cần đàn, phím đàn bị mốc…
"Đàn kìm thường có mặt làm bằng gỗ ngô đồng; vành, cần, trục làm bằng gỗ cẩm lai hoặc gỗ trắc. Khi lấy gỗ ngô đồng, nếu khúc gỗ này nằm bên mặt trời mọc rọi vào, gỗ có sớ, gân mềm nhưng đừng nằm sâu trong lõi thì khi dùng khúc gỗ này đóng đàn cho âm thanh rất tuyệt vời. Còn khúc gỗ nằm ở phía mặt trời lặn nếu lấy làm đàn kìm thì âm thanh sẽ không hay bằng" - nghệ nhân Hoàng Nhân chia sẻ về kinh nghiệm chỉnh đàn kìm để có âm thanh hay.
Theo nghệ nhân, để làm hoặc sửa hoàn thiện một cây đàn phải mất từ 3 - 7 ngày, tùy mỗi loại đàn mà thời gian sửa khác nhau. Thường mỗi cây đàn được sửa với giá từ 100.000 đồng đến hơn 1,3 triệu đồng/cây. Trung bình mỗi ngày ông nhận sửa khoảng 2 cây đàn, thu nhập hàng tháng cũng trên 10 triệu đồng, đủ cho gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nhờ tay nghề sửa đàn hay và uy tín, nghệ nhân Hoàng Nhân được nhiều nghệ sĩ khắp các tỉnh, thành miền Tây như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… ủng hộ.
Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Hoàng Khiêm (ngụ tại huyện Kế Sách, Sóc Trăng) dù ở khá xa Cần Thơ nhưng vẫn tìm đến nhà nghệ nhân Hoàng Nhân để sửa đàn.
"Thông qua người quen, tôi từ Sóc Trăng đem đàn guitar điện lên cho anh Nhân sửa chữa vì bị hư cần. Sau khi đàn được sửa, âm thanh đã hay hơn nhiều, không uổng công tôi phải lặn lội đường xa đến đây" - anh Hoàng Khiêm nói.
Nặng lòng với tình yêu nhạc cụ, không những sửa nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân Hoàng Nhân còn truyền lửa nghề này đến người con trai Huỳnh Trọng Phúc. Dù mới 9 tuổi, nhưng Trọng Phúc luyện và chơi được 7 loại nhạc cụ gồm: Kìm, sến, guitar, cò, gáo, violin, đàn tranh.