Từ đợt dịch Covid-19 năm 2021, bà Nguyễn Thị Ngọc (52 tuổi, thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận) được HTX Nông nghiệp xã Hành Thuận cho mượn 10 triệu đồng để mua đót về làm chổi.
Theo bà Ngọc, số tiền bà mượn được trích từ nguồn huyện hỗ trợ cho làng nghề và không lấy lãi, mỗi tháng người mượn dành ra một số tiền nhỏ để trả dần. Trong lúc khó khăn, số tiền ấy đã trợ lực kịp thời cho gia đình bà.
Gắn bó với nghề làm chổi đót nhiều thập kỷ, bà Ngọc cho biết đây là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính của gia đình, nên dù thị trường có lên xuống hoặc gặp trở ngại gì, bà vẫn không bỏ.
“Nghề chổi đót lợi nhuận tính ra không cao như những nghề khác nhưng nó bền bỉ, làm lúc nào cũng được. Như tôi còn sức là còn làm. Nhờ có nó mà có đồng ra đồng vào, trang trải cuộc sống”- bà Ngọc nói.
Bà Lê Thị Nở (42 tuổi, thôn Đại An Đông 1) cũng được hỗ trợ cho mượn vốn 10 triệu đồng để duy trì nghề làm chổi đót. Ngoài ra, bà còn vay thêm vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, đầu tư thêm vào sản xuất.
“Cũng nhờ có các nguồn vốn mà kinh tế gia đình được cải thiện. Cây đót đầu năm vào vụ nên thời điểm đó mình phải mua để tích trữ, dùng trong năm. Trung bình 1 bó đót vừa tước vừa bó thì trong 3 ngày làm được hơn 40 cây chổi để cung cấp cho thị trường. Làm chổi đót có ưu điểm là làm ngay tại nhà, có thể chăm sóc được cho gia đình, con cái”- bà Nở cho hay.
Bà Nở kể, thời thanh xuân, kết duyên với chồng, chuyển về làng chổi đót định cư, thấy người ta làm chổi, bà cũng tập tành làm theo rồi nặng nợ với nó, tính đến nay cũng ngót nghét gần 20 năm.
Không chỉ riêng bà, các hộ khác trong thôn cũng yêu quý, gắn bó với nghề làm chổi đót. Đặc biệt, khi chổi đót Hành Thuận được công nhận sản phẩm OCOP đã mang lại niềm vui lớn cho những người làm nghề này, bởi sản phẩm được thị trường biết đến rộng rãi hơn, thuận lợi cho viêc tiêu thụ.
“Sản phẩm bán chạy nhất vào dịp Tết và mùa tựu trường. Đó là lúc người làm chổi đót lao động cật lực, cả ngày lẫn đêm, nhưng cũng là thời điểm mang có nhiều tiền nhất. Các tháng còn lại tiêu thụ ít hơn nhưng vẫn có thu nhập”- bà Nở cho hay.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn (53 tuổi, thôn Đại An Đông 1) đã có 3 đời làm chổi đót, riêng bản thân bà gắn bó với nghề 30 năm. Năm 2021 bà vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, lúc này đối với gia đình số tiền này rất lớn.
Nhờ được trợ lực đúng lúc, gia đình bà mạnh dạn chuyển sang làm mô hình kinh tế tổng hợp. Mua đót khô về trữ, mua thêm trâu, bò, heo giống để nuôi theo hình thức gối đầu mang lại hiệu qủa kinh tế cao như ngày hôm nay. Thời điểm này mô hình của bà Nhạn bán cho đại lý 1.500 cây chổi đót/tháng, 15 con heo lai sinh sản đẻ bán giống, 6 con trâu, bò/lứa.
“Nghề làm chổi đót tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi người làm chổi phải cần cù, khéo léo, cẩn thận để cho ra sản phẩm đạt chuẩn. Với bà con ở đây, từ người già cho đến trẻ nhỏ, những ai sinh ra từ làng quê này đều biết làm chổi đót”- bà Nhạn nói.
Làng nghề chổi đót Hành Thuận ở thôn Đại An Đông 1 có khoảng hơn 100 hộ, mỗi tháng cung cấp ra thị trường trên toàn quốc trên 225 nghìn cây chổi đót, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động. Trong số này có 26 hộ sản phẩm chổi đót được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
“Sản phẩm chổi đạt OCOP mang lại niềm vui và động lực lớn cho bà con. Các hộ sản xuất cũng chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã nhằm đáp ứng cho thị trường. Thường đến cuối năm là lúc thị trường tiêu thụ mạnh nhất, sản phẩm làm ra không kịp để bán”- ông Trông cho hay.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Hành Thuận Võ Duy Trông, từ nguồn phát triển sản xuất, HTX đã cho hội viên mượn vốn sản xuất không lấy lãi. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều hội viên đã có thêm khoản tiền xoay xở trong lúc khó khăn. Hiện trong HTX không còn hộ nghèo.