Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề săn bắt nơi đáy biển ở Hòn La

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mờ sáng, chiếc tàu nhỏ chở theo nhóm ngư dân hướng ra khơi. Sau hơn 1 giờ lênh đênh trên biển vịnh Hòn La (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), tàu thả neo và ngày làm việc mới bắt đầu.

Theo chân nhóm thợ lặn

Nghề lặn săn bắt hải sản nơi đáy biển ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua bao thế hệ và lưu truyền đến tận ngày nay. Để có được những loài hải sản quý, hằng ngày người thợ lặn phải trầm mình dưới hàng chục mét nước, đối mặt với nhiều hiểm nguy nơi đáy biển để mưu sinh.

Nghề lặn được xem là nghề đánh cược với "tử thần”.
Nghề lặn được xem là nghề đánh cược với "tử thần”.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có cơ hội theo chân nhóm thợ lặn nơi đây để hiểu hơn việc mưu sinh mà người ta vẫn hay gọi là “nghề đánh cược với tử thần”.

Sau bữa sáng vội vã bằng một số thức ăn từ nhà mang theo, thuyền trưởng Nguyễn Quảng Thảo (SN 1973, trú xã Quảng Đông) cùng nhóm thuyền viên thu dọn đồ đạc, mang theo lương thực, nước uống cho một ngày làm việc rồi lên xuồng nhỏ chèo ra chiếc tàu đang neo đậu cách bờ chừng 200m để vươn khơi. Chiếc tàu có công suất 24CV chỉ đủ chỗ cho khoảng 4 đến 6 người làm việc. Tàu nổ máy, hướng về phía biển, gió nhẹ, trời trong xanh không một gợn mây, ngày làm việc mới chính thức bắt đầu. Bằng kinh nghiệm của mình, ngư dân biết hôm nay sóng yên, biển lặng là chuyến ra khơi sẽ có nhiều thuận lợi.

Trên chuyến tàu chúng tôi ra khơi, trang thiết bị để làm nghề lặn biển khá đơn giản. Ngư dân chỉ mang theo máy nén khí để cung cấp ôxy được chạy bằng động cơ của thuyền, vài trăm mét ống dẫn hơi (loại ống bằng ngón tay), bộ đồ lặn để giữ ấm thân nhiệt, kính lặn, dây chì nặng khoảng 12 - 15 kg, vài túi đựng hải sản và một thanh thép có móc nhọn.

Thuyền trưởng Nguyễn Quang Thảo cùng các thuyền viên.
Thuyền trưởng Nguyễn Quang Thảo cùng các thuyền viên.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển vịnh Hòn La, chiếc tàu đến một vùng biển cách bờ chừng 5 hải lý, theo như lời thuyền trưởng Nguyễn Quảng Thảo thì đây là khu vực mà ngư dân thường xuyên săn bắt được nhiều loài hải sản như: tôm hùm, cá mú, hải sâm, hàu, ốc các loại…

Tàu thả neo, thuyền viên bắt đầu mặc áo lặn, mang kính, đeo vào thắt lưng sợi dây chì, quấn sợi ống thở quanh người và ngậm đầu ống thở vào miệng rồi nhảy ùm xuống biển, chút bọt sóng trào lên, bóng người mất hút dưới làn nước trong xanh, chỉ còn thấy ống thở dập dềnh theo con sóng. Trên tàu, chúng tôi cùng thuyền trưởng Nguyễn Quang Thảo có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của máy nén khí, đảm bảo ống dẫn khí không bị sự cố và chuẩn bị bữa ăn trưa cho tất cả các thuyền viên.

Bữa cơm vội trên tàu

Sau khi các thuyền viên đã lặn dưới biển được chừng 1 giờ đồng hồ cũng là lúc người thuyền trưởng tất bật quan sát máy nén, ống hơi và chuẩn bị bữa cơm cho cả nhóm thợ. Bữa ăn trưa trên tàu đơn hết sức giản đơn, chỉ có cơm, canh chua và một ít cá kho. Tuy đơn giản là vậy, nhưng để nấu được một bữa ăn trên tàu cũng cực kỳ khó khăn. Tàu luôn rung lắc mạnh theo từng đợt sóng, gió khiến không ít lần thức ăn đang được làm chỉ chực chờ đổ ra sàn.

Sau khoảng 2 – 3 giờ, thợ lặn sẽ trở lại tàu để nghỉ ngơi.
Sau khoảng 2 – 3 giờ, thợ lặn sẽ trở lại tàu để nghỉ ngơi.

Thuyền trưởng Thảo chia sẻ, dân biển, hầu như bất kỳ ai cũng biết nấu ăn, tàu của ông đi về trong ngày nên chỉ cần nấu một bữa. Bữa ăn trên tàu chỉ cần ăn no để có sức làm việc.

“Với những thợ lặn lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thì họ có thể mang theo sữa, nước ngọt để uống, bồi bổ sức khỏe ngay dưới đáy biển”, ông Thảo cười nói.

Chuẩn bị xong bữa ăn, chúng tôi có dịp ngồi lại tâm sự với thuyền trưởng để hiểu rõ hơn về nghề lặn biển ở vịnh Hòn La. Người thuyền trưởng đã có kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề này cho biết, mùa lặn biển tại vịnh Hòn La thường bắt đầu vào khoảng tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 8 (âm lịch), gói gọn chỉ thực hiện trong vòng 4 tháng, bởi thời điểm này nước biển trong và ấm nên rất thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản. Công việc của người thợ lặn thường bắt đầu từ sáng sớm đến tận chiều tối mới trở về.

“Hằng ngày, trước mỗi chuyến đi lặn, chúng tôi sẽ thường xuyên quan sát tình hình thời tiết, nếu trời xanh, gió nhẹ, nước biển trong vắt sẻ cho tàu vươn khơi. Bởi khi đó, người thợ lặn ở dưới đáy biển sẽ dễ dàng quan sát và không bị hạn chế về tầm nhìn. Nghề lặn biển phụ thuộc chủ yếu vào nước trong hay đục”, Thuyền trưởng Nguyễn Quang Thảo cho hay.

Trò chuyện cùng thuyền trưởng được một lúc thì cũng đã đến thời gian kéo các thuyền viên lên tàu, mỗi lần lặn biển thường kéo dài khoảng chừng 2 - 3 giờ. Vì nếu ở trong nước lâu sẽ khiến cơ thể nhợt nhạt, mất sức dưới áp lực của nước nên người thợ lặn cần lên thuyền để phục hồi sức khoẻ. Mỗi thợ lặn được kết nối với người trên tàu bằng ống thở, khi cần trở lại tàu hoặc cần chuyển hải sản đánh bắt được chỉ cần giật ống thở theo ám hiệu đã quy định trước, người trên tàu sẽ kéo lên.

Bữa cơm vội trên tàu.
Bữa cơm vội trên tàu.

Sau khi ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, các thợ lặn được chúng tôi cùng thuyền trưởng hỗ trợ đưa lên tàu. Kéo theo họ là những túi đựng hải sản đầy ắp cá, ốc và đặc biệt là tôm hùm, loài hải sản mang lại giá trị kinh tế rất cao cho ngư dân.

Hơn 10 giờ sáng, khi tất cả nhóm thợ lặn đã trở về, ai nấy cũng hớn hở với thành quả của mình đạt được. Chúng tôi lại tập trung giữa sàn tàu, mỗi người một tay chuẩn bị bữa ăn trưa. Bữa cơm vội diễn ra chóng vánh vì ai cũng mệt lả vì đói sau thời gian ngâm mình với loài hải sản quý dưới đáy biển.

Nghề đánh cược với "tử thần"

Nghỉ ngơi khoảng chừng 30 phút, không ai bảo ai, tất cả lại mặc đồ lặn, ngậm ống thở để chuẩn bị trầm mình xuống nước trở lại. Lần này, thuyền viên Lê Duy Trọng (SN 1973, trú xã Quảng Đông) sẽ thay phiên Thuyền trưởng Thảo làm nhiệm vụ túc trực trên tàu. Chiếc tàu được di chuyển đến vùng biển khác cách vị trí củ chừng 1 hải lý, sau khi chuẩn bị xong các công đoạn, những thợ lặn lại trầm mình bắt đầu chuyến đi săn mới.

Luôn có người túc trực trên tàu để đảm bảo an toàn cho các thợ lặn.
Luôn có người túc trực trên tàu để đảm bảo an toàn cho các thợ lặn.

Trên tàu, chúng tôi tò mò hỏi về chuyến lặn biển vừa rồi, ông Trọng kể, khi xuống đến độ sâu từ 15 - 20m, các thợ lặn sẽ bắt đầu đi lang thang dưới đáy biển, dọc các khe đá, các rạn san hô để lục tìm hải sản. Người thợ lặn thường sẽ đi khom để có thể di chuyển linh hoạt và tránh được lực cản của nước. Ở vùng biển này, ngư dân chủ yếu săn bắt tôm hùm, cá múc, ốc, hàu và hải sâm… những loài hải sản có giá trị kinh tế cao và được tiêu dùng ưa chuộng.

“So với các loại hình khai thác thủy hải sản khác, nghề lặn biển sẽ cho thu nhập rất cao và công việc có phần ít vất vả. Tuy nhiên, nghề này chỉ hoạt động được vào những tháng mùa hè, nước ấm, trời yên biển lặng. Mặt khác, nghề này cũng đòi hỏi người thợ lặn phải có sức khỏe tốt, kỹ năng điều tiết hơi thở và một cơ thể dẻo dai để ngâm mình cả ngày dưới đáy biển sâu”, ông Trọng nói.

Khi được hỏi, đối với nghề lặn biển yếu tố nào là quan trọng nhất, ông Trọng chỉ vào chiếc máy nén khí cung cấp ôxy và sợi ống thở dài hàng trăm mét đang xếp gọn gàng trên sàn thuyền. Đối với thợ lặn, thì không khí là yếu tố quyết định sự sống còn, chính vì thế trên thuyền lúc nào cũng phải có người túc trực để đảm bảo không xảy ra sự cố bất ngờ. Sự cố ở đây là việc vô tình máy nén ôxy bị ngừng hoạt động hay ống hơi bị gấp khúc, mối mọt hay bị đứt gãy… khi đó tính mạng người thợ lặn sẽ bị đe dọa. Ngoài ra, nguy hiểm còn đến từ các dòng chảy ngầm dưới nước, các loại cá dữ…

Những người thợ lặn phải đằm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ.
Những người thợ lặn phải đằm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ.

“Thông thường, dây chì quấn quanh người thợ lặn sẽ không được buộc cố định mà được gài bằng một cây chốt nhỏ để có thể tháo ra dễ dàng khi gặp sự cố. Phát hiện điều bất thường, thợ lặn sẽ ngay lập tức rút chốt, thả lại đồ nghề rồi bơi lên mặt biển. Vùng biển chúng tôi làm việc chỉ sâu chừng 15 – 20m, từ trước đến nay mặc dù gặp nhiều sự cố nhưng tất cả các thợ lặn đều dễ dàng xử lý và thoát nạn”, ông Trọng nói.

Chiều, các thợ lặn lần lượt quay về, chuyến đi này tàu của thuyền trưởng Nguyễn Quang Thảo cùng 3 thuyền viên đánh bắt được hơn 10 kg tôm hùm cùng cá, ốc các loại… Tàu nhổ neo, hướng thẳng vào đất liền, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của cả nhóm thợ lặn. Vừa cập bến, thương lái cùng người dân đã tụ tập tấp nập trên bãi biển để chờ mua được nhiều loại hải sản tươi ngon. “Chuyến này, trừ tất cả các chi phí mỗi người trong chúng tôi cũng thu nhập được gần 1 triệu. Ngày mai, chúng tôi sẽ lại tiếp tục vươn khơi”, Thuyền trưởng Nguyễn Quang Thảo vui mừng nói.

Từ phía biển, những chiếc tàu chở theo các nhóm thợ lặn đang lần lượt quay về bờ, mang theo sự bao dung của biển cả và những nụ cười mãn nguyện trên khuôn mặt rám nắng của ngư dân.