Nghệ sĩ đạo đức mới tạo ra tác phẩm đạo đức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bàn tròn trong giới văn nghệ sĩ để nhìn về "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn...

Kinhtedothi - Cuộc bàn tròn trong giới văn nghệ sĩ để nhìn về "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay" (diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11) đã cho người ta thấy khá rõ những gam màu loang trong bức tranh làm nghệ thuật trong nước. Song cũng chính từ diễn đàn này, giới văn nghệ sĩ nhận ra sứ mệnh của mình trước xã hội với lời khẳng định: Để có những tác phẩm VHNT đạo đức thì cũng phải có những người nghệ sĩ đạo đức.

Những gam màu loang

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT T.Ư thừa nhận, tình hình phát triển VHNT hiện nay còn ít những tác phẩm có giá trị cao, một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, hoạt động phê bình lý luận cũng chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Cái nhìn này cũng là nỗi bức xúc chung của những người tâm huyết với VHNT nước nhà.
Một tiết mục ca nhạc trong chương trình “Việt Nam quê hương tôi”.
Một tiết mục ca nhạc trong chương trình “Việt Nam quê hương tôi”.
 
"Môi trường âm nhạc có giá trị nghệ thuật và nhân văn thực sự là điều kiện tốt cho sự phát triển nhân cách và tính hướng thiện trong con người, những người biết chọn lọc điều hay dở, biết tự bảo vệ mình trước mọi nhiễu loạn thông tin và biết tận dụng những ưu việt của thời công nghệ thông tin" - Nhạc sĩ  Nguyễn Thị Minh Châu
Không phải đến cuộc bàn tròn này, người làm nghề mới lên tiếng về những gam màu loang phần nào làm nhòe giá trị chung của bức tranh VHNT đương đại. Trước đó, đặc biệt là trong các cuộc hội bàn về VHNT nhằm "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (Nghị quyết T.Ư 9, Khóa XI), những "thảm họa" nghệ thuật luôn được nhắc tới một cách tâm huyết và đầy gay gắt. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) về âm nhạc: "Trong thập niên gần đây liên tiếp xuất hiện các hiện tượng gây tác hại cho thẩm mỹ và tư cách con người, nhất là tuổi mới lớn: nào là nhạc nhái, nhạc rác, nhạc chế, nhạc thảm họa, nào là lời ca nhạt nhẽo, nhảm nhí, đồi bại, kích động bạo lực; nào là hát nhép, ăn mặc "lộ hàng", tác phong phản cảm, phát ngôn hớ hênh… Ở thời đại công nghệ thông tin, đạo nhạc không chỉ là sao chép giai điệu, mà còn nhái hòa âm hoặc đánh cắp nhạc nền có sẵn. Khái niệm "sáng tác" dễ bị bóp méo bởi sáng tạo thời nay thường bị thay thế bằng sự lạm dụng kỹ thuật. Khái niệm bản quyền thì mơ hồ và không thống nhất".
Hay nhìn về VHNT trên diện rộng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Kim Cuông có lần bày tỏ: "Cái thiếu vắng trong các tác phẩm VHNT những năm qua không phải ở số lượng tác phẩm mà ở bề mặt hiện thực đời sống xã hội và hình bóng con người đang quẫy đạp, vượt lên chính mình và hoàn cảnh cuộc sống tưởng như bình yên nhưng đầy xáo động trong môi trường xã hội cụ thể". Ngay trong cuộc bàn tròn này, thực trạng của điện ảnh mà NSND Đặng Nhật Minh đưa ra cũng thu hút sự chú ý của mọi người: "Phim càng nhảm nhí thì càng thu được lắm tiền!". Điều đáng nói, nó lại trở thành tiêu chí hàng đầu trong cách làm phim của các đạo diễn bây giờ, khiến vị đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt này không khỏi băn khoăn: Có lẽ, yếu tố kinh doanh và lợi nhuận ngày càng lấn át giá trị văn hóa và nghệ thuật trong các bộ phim đương đại.

Và ở lần hội bàn này cũng như những cuộc bàn tròn trước, người ta đều chung quan điểm: Những hệ lụy của nền kinh tế thị trường làm xô lệch chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Và VHNT phải lãnh nhiệm vụ đặc biệt, phải "can thiệp trực diện" vào đạo đức xã hội bằng tiếng nói và bằng thế mạnh của từng thể loại.

Viên gạch xây đạo đức

Giới sáng tạo nghệ thuật phải làm gì để có thể "can thiệp trực tiếp" vào đạo đức xã hội là điều được quan tâm nhất hiện nay. Nói như GS.TS Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT T.Ư, trách nhiệm này là của toàn xã hội, song sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ chính là những viên gạch xây dựng đạo đức con người hiện nay. Nghĩa là, những viên gạch sẽ được "nung" từ các "làng nghề": thơ văn, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… để xây ngôi nhà đạo đức xã hội trong VHNT - những lĩnh vực rất gần gũi với đời sống và có tác động trực tiếp tới ý thức con người. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: "Mọi thao tác nghệ thuật có thể là muôn hình muôn vẻ, mọi cảm hứng có thể diễn ra theo nhiều cung bậc, nhưng tất cả đều nhằm chuyển tải một thông điệp xã hội của người nghệ sĩ trước các vấn đề đặt ra, trong đó, đạo đức xã hội là một trong những vấn đề quan trọng nhất".

Người ta tin rằng, chuẩn mực đạo đức trong xã hội sẽ trở lại nguyên vẹn khi các tác phẩm VHNT mang tới cho con người sự định hướng đúng đường để tạo ra những con người đạo đức. Những sáng tác âm nhạc chuẩn mực sẽ "đánh bật" khỏi sân khấu những nhạc chế, nhạc nhái, nhạc "thảm họa"; những định hướng thẩm mỹ sẽ loại khỏi sân khấu những lối ăn mặc phản cảm, những cách phát ngôn "hớ hênh"; những tác phẩm điện ảnh có chiều sâu văn hóa sẽ "bài xích" các bộ phim "nhảm" coi nhẹ giá trị nghệ thuật và tư tưởng… Song, gốc gác để làm nên những viên gạch đạo đức này, đúng như Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên khẳng định: "Để có được một xã hội đạo đức thì phải có những con người đạo đức. Tương tự, để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật đạo đức thì cũng phải có những người nghệ sĩ đạo đức". Nghĩa là điều trước tiên, cần có những cây bút đạo đức cùng những người quản lý đạo đức, mới xây được ngôi nhà đạo đức xã hội trong VHNT.

 
"Đứng trước hiện thực của đời sống hôm nay, VHNT không chỉ còn là công việc dự báo nữa mà phải tự đặt mình vào cuộc đấu tranh quyết liệt với những hiện tượng tiêu cực nhức nhối và đồng thời khẳng định những giá trị, những bản tính tốt đẹp của con người Việt Nam, tạo dựng ra được những nhân vật điển hình trong đời sống mang tầm vóc con người Việt Nam hôm nay" - Ông Đỗ Kim Cuông- Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần