Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng, xử lý thế nào?
Kinhtedothi – Sau vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo thổi phồng công dụng của kẹo rau củ Kera, nhiều nghệ sĩ tiếp tục bị phanh phui quảng cáo “lố” công dụng của một số loại sữa giả, gây bức xúc trong dư luận.
Nghệ sĩ không phải… bác sĩ
Vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, TP trên toàn quốc vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phanh phui. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 8/2021 đến nay, nhóm này đã sản xuất, kinh doanh tới 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, thu về gần 500 tỷ đồng, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai…

BTV Quang Minh đã phải lên tiếng nhận lỗi vì quảng cáo sữa thổi phồng công dụng.
Điều đáng nói, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đã quảng cáo thổi phồng công dụng về các loại sữa này, đánh vào niềm tin của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, BTV Quang Minh đã phải đăng đàn trên trang Facebook cá nhân phản hồi về câu chuyện quảng cáo sữa. “Trước hết, tôi xin nhận lỗi vì đã để xảy ra một sự việc khiến dư luận băn khoăn và khiến nhiều người yêu quý tôi cảm thấy thất vọng. Đây là điều tôi không hề mong muốn” – anh viết.
Cũng theo BTV Quang Minh, anh không phải là bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng và cũng chưa từng có ý định đứng ra bảo đảm hay khẳng định giá trị y học của bất kỳ sản phẩm nào. “Với vai trò là một người của công chúng, tôi xuất hiện trong các video quảng bá đó như một lời giới thiệu – dựa trên những thông tin mà phía nhãn hàng cung cấp, trong khuôn khổ một hợp đồng truyền thông hợp pháp và trải nghiệm của bản thân, gia đình trong một thời gian. Tuy nhiên, tôi hiểu rõ rằng khi hình ảnh cá nhân gắn với một sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mức độ kỳ vọng và yêu cầu từ công chúng là rất cao. Nếu sự xuất hiện đó đã vô tình gây hiểu nhầm hoặc khiến ai đó cảm thấy bị dẫn dắt sai lệch, tôi xin nhận phần trách nhiệm về mình. Còn về sai phạm và các biện pháp xử lý… tôi sẵn sàng đón nhận chân thành, bởi mình gây ra bất cứ điều gì thì phải gánh chịu hậu quả đó” - BTV Quang Minh viết.
Lời nhận lỗi của BTV Quang Minh được cho là khá thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm về mình tuy nhiên vẫn chưa thể xoa dịu dư luận bởi những video quảng cáo trước đó của anh thổi phồng công dụng của sữa, như “bảo hiểm về chiều cao, giúp cha mẹ không lo áp lực về chiều cao của con”, thậm chí anh còn lấy ví dụ chiều cao của 4 cậu con trai của mình như một “bảo chứng” để quảng cáo sữa, đồng thời nhấn mạnh nhiều lần người tiêu dùng “an tâm mua”.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khác như MC Vân Hugo, NSND Hồng Vân, Cát Tường, Doãn Quốc Đam... cũng bị réo tên vì quảng cáo các dòng sữa "đa công dụng". Còn nhớ, cách đây hơn một năm, nghệ sĩ Cát Tường cũng từng phải khóc lóc xin lỗi khán giả khi quảng cáo sữa thổi phồng công dụng, không đúng sự thật. Cô cũng thừa nhận đã sử dụng những từ chuyên môn chưa đúng theo sự cho phép của Luật Quảng cáo.
Không thể chỉ xin lỗi là xong
Trước vụ sữa giả bị phanh phui, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng", khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Ling Vlogs) cùng 3 đồng phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định sản phẩm thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (thường được gọi là kẹo rau củ Kera) là sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty CP Asia life sản xuất là hàng giả.

Cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm. Ảnh minh họa
Trên sóng livestream có hàng trăm nghìn người theo dõi, Quang Ling Vlogs quảng cáo “một viên thay thế một đĩa rau xanh”. Rồi trong phiên livestream bán kẹo rau củ Kera có sự tham gia của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, các thành viên truyền tay nhau khoe “giấy chứng nhận” chất lượng của sản phẩm và không quên nhấn mạnh “nhà không có gì ngoài giấy chứng nhận”.
Liên tiếp nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng dính vào lùm xùm quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, thực phẩm chức năng khiến cho dư luận ngày càng bức xức. Bởi thực tế nghệ sĩ, người nổi tiếng là người có uy tín, được khán giả tin tưởng, thậm chí có những nghệ sĩ, KOLs có hàng triệu lượt theo dõi trên các trang cá nhân và nhiều nền tảng mạng xã hội. Do đó, khi nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm sẽ tác động đến rất nhiều người.
Càng nguy hại hơn với những trường hợp sữa, thực phẩm chức năng được sử dụng cho trẻ em hay người ốm đau, bệnh tật… Chính vì vậy, dư luận cho rằng cần có chế tài mạnh tay hơn xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, không thể cứ xin lỗi, nhận trách nhiệm là xong.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho rằng, đòi hỏi cần bổ sung sửa đổi Luật Quảng cáo. Trong quá trình sửa đổi Luật, Bộ VHTT&DL đã nhận nhiều đóng góp tâm huyết, bổ sung một số điều cụ thể để điều chỉnh hành vi người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo. Theo đó, họ phải xác minh thông tin một cách minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mình truyền tải.
Thực tế, Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012 đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng, cụ thể cho hoạt động quảng cáo, từ đó thúc đẩy thương mại hàng hoá, dịch vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi, thị trường quảng cáo Việt Nam đã có nhiều thay đổi, với sự phát triển vượt bậc, nội dung, phương thức quảng cáo ngày càng đa dạng, phong phú với sự ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng sâu rộng. Trong khi các quy định về quảng cáo trên mạng còn rất chung chung, thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Do đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được chỉnh lý với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm theo kịp với sự phát triển của mạng xã hội và xu hướng thương mại điện tử hiện nay.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 41 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Cụ thể, dự thảo đã làm rõ thêm một số khái niệm, thể hiện sự bao quát hơn các lĩnh vực, các đối tượng liên quan đến hoạt động quảng cáo; xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các đối tượng, trong đó người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có tầm ảnh hưởng hoặc vấn đề quảng cáo trên mạng.
Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL đã có Bộ quy tắc ứng xử với người hoạt động nghệ thuật, Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Được biết, sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) sẽ tham mưu với Bộ để có quy định ràng buộc, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức, giúp nghệ sĩ có nhận thức về chính trị, xã hội, là những người có trách nhiệm công dân cao, lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Trích dẫn
Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Trong đó có kiểm tra thông tin, xử lý hành vi quảng cáo vi phạm của các trang mạng xã hội và xử lý người nổi tiếng quảng cáo vi phạm.

Từ vụ kẹo rau củ Kera: Cảnh báo xói mòn đạo đức kinh doanh
Kinhtedothi - Vụ án liên quan đến kẹo rau củ Kera và Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị bắt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xói mòn đạo đức kinh doanh, sự vô trách nhiệm của người nổi tiếng với công chúng. Đây cũng là bài học cảnh báo người tiêu dùng từ việc tin vào quảng cáo sai sự thật thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.

Cục ATTP lên tiếng vụ sản xuất, kinh doanh sữa giả
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả.

Rà soát cơ sở sản xuất sữa giả, xử lý nghiêm người nổi tiếng vi phạm quảng cáo
Kinhtedothi - Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.