Nghệ sĩ Xuân Bắc, Chí Trung được đề nghị xét tặng danh hiệu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa có văn bản số 2743/BVHTTDL-TĐKT về việc đăng danh sách hồ sơ 5 Hội đồng chuyên ngành, trình Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.

139 hồ sơ đề nghị xét thặng NSND

Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ (NSƯT) là vấn đề được đông đảo công chúng và nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ đặc biệt quan tâm. Việc xét tặng danh hiệu thể hiện sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần của Nhà nước với đội ngũ văn nghệ sĩ.

Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX, năm 2019.
Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX, năm 2019.

Năm 2022, theo văn bản ngày 25/7 của Bộ VHTT&DL gửi Trung tâm Công nghệ thông tin có 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Theo danh sách thứ nhất, Hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Âm nhạc trình Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” lần thứ 10 có 45 hồ sơ. Trong đó có những NSƯT như: NSƯT Huỳnh Tấn Minh (Tấn Minh), diễn viên hát Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, TP Hà Nội; NSƯT Đoàn Thanh Lam, diễn viên hát Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (Bộ VHTT&DL); NSƯT Nguyễn Thị Quỳnh Liên, diễn viên hát Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, Hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Điện ảnh trình Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10 có 1 hồ sơ của NSƯT Hồ Quảng, đạo diễn thuộc Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (Bộ VHTT&DL). Đồng thời, có 16 hồ sơ trong lĩnh vực điện ảnh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

Lĩnh vực Múa có 3 hồ sơ được xét tặng NSND gồm: NSƯT Đỗ Văn Hiền, NSƯT Trần Ly Ly, NSƯT Bùi Xuân Hanh. Trong lĩnh vực này cũng có 38 hồ sơ được đề nghị xét tặng “NSƯT”.

Trong các lĩnh vực khác như: Phát thanh – Truyền hình có 2 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, 12 hồ sơ NSƯT; lĩnh vực sân khấu có 88 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Xuân Bắc, Chí Trung, Trần Lực, Quốc Khánh… và 215 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu “NSƯT”.

Cần được Nhân dân biết đến

Có nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng danh xưng NSND, NSƯT ngày nay quá đại trà, dẫn đến việc công chúng nghe xong thấy thờ ơ. Đặc biệt, từ những vụ lùm xùm gần đây, nhất là sau khi 2 nghệ sĩ đi công tác nước ngoài, dính phải nghi án và sự phát biểu không chuẩn mực, lệch lạc của một NSƯT cho thấy, thực tế, chưa bao giờ niềm tin đối với nghệ sĩ bị lung lay như hiện nay. Càng ngưỡng mộ, thần tượng nghệ sĩ bao nhiêu, khán giả càng hụt hẫng bấy nhiêu sau hàng loạt sự vụ mà các nghệ sĩ đã vướng phải, cũng như đứng ra nhận sai và xin lỗi.

Theo các nghệ sĩ có thâm niên trong nghệ thuật, biểu diễn, đã là nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, nhất là NSND thì ít nhất phải có một bộ phận nào đó trong Nhân dân biết đến, có tác phẩm để khi nhắc đến tác phẩm Nhân dân nhớ tới tên nghệ sĩ ấy và ngược lại. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều NSND, NSƯT kể cả lĩnh vực biểu diễn Nhân dân thấy “lạ hoắc”, không có lần nào sau khi công bố danh hiệu mà không có xì xèo.

NSND Thanh Hoa chia sẻ: “50 năm từ khi làm nghề đến nay, tôi luôn tâm niệm là nghệ sĩ, làm công việc văn hóa nghệ thuật, là một nghề hết sức thiêng liêng. Khi chọn nghề này, đã là điều gì đó thuộc về trái tim rồi. Chữ nghệ sĩ, vì thế, đã nói lên những gì cao quý, chứ đừng bảo rằng phải ưu tú, phải có danh hiệu thì mới ý thức giữ gìn thế nào. Lương tâm của người làm nghề, của một nghệ sĩ sẽ tự biết làm gì và làm như thế nào để được công chúng tin yêu”.

Những năm qua, theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở có; Hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng cấp nhà nước. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của Hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền. Chính vì sự khắt khe này, khó có chuyện “chạy” hồ sơ. Tuy nhiên, không phải không có xì xèo về việc dễ dãi, cảm tính. Cũng có không ít trường hợp khai hồ sơ mắc lỗi chưa trung thực.

 

Hiện nay theo quy định tại điều 93 luật Thi đua khen thưởng 2022, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bị hủy bỏ trong một số trường hợp gian dối khi làm hồ sơ, thẩm định trái quy định… Luật cũng quy định thu hồi danh hiệu khi có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc người đã được tặng danh hiệu có vi phạm, khuyết điểm dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu. Một trường hợp khác cũng bị rút danh hiệu là “bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước”.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần