Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ thuật chèo giữ lửa đam mê thông qua mạng xã hội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc không thể diễn ra theo cách truyền thống. Trong bối cảnh ấy, công nghệ 4.0 đã trở thành hướng đi phù hợp nhất để các tiết mục đến với khán giả, vừa như một giải pháp để nghệ sĩ được thỏa đam mê của mình. Gần dây, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã tổ chức chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” góp phần động viên tinh thần người yêu nghệ thuật truyền thống trong mùa dịch.

Mang tiếng hát đến với khán giả

Những ngày qua, fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả đam mê nghệ thuật truyền thống. Vào mỗi tối cuối tuần, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam lại livestream để biểu diễn phục vụ khán giả nhiều làn điệu chèo như: “Tò vò”, “Đào Liễu”, “Hề Cu Cậu”… Hoạt động này năm trong chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” do Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức.
 Nghệ sĩ Trần Thái Sơn biểu diễn trên nền tảng trực tuyến. Ảnh: Chụp màn hình.
Ngày 29/8, nghệ sĩ Trần Thái Sơn là người đầu tiên mở màn chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê”. Trong buổi livestream, nghệ sĩ Trần Thái Sơn chia sẻ: “Ngày trước, nghệ sĩ được biểu diễn rất nhiều để phục vụ chương trình, sự kiện của TP, thậm chí ở những nơ miền núi, hải đảo xa xôi để phục vụ bà con. Nhưng từ khi Covid-19 xuất hiện, các nghệ sĩ cũng phải tuân thủ các Chỉ thị giãn cách - Ai ở đâu ở yên đó. Nhưng với sứ mệnh của nghệ sĩ như Thái Sơn cần phải biểu diễn phục cho khán giả. Bởi với nghệ sĩ, được biểu diễn phục vụ khán giả cũng như hơi thở, cơm ăn nước uống hàng ngày. Chúng tôi rất vui vì nhờ có công nghệ 4.0 được gần hơn với khán giả hơn trong bối cảnh đại dịch”.

Điều đặc biệt trong chương trình “Giữ lửa đam mê” là trong quãng thời gian nghỉ ngơi sau một tiết mục, nghệ sĩ có thể đọc các bình luận của khán giả để tương tác, chia sẻ về nghệ thuật truyền thống. Theo nghệ sĩ Trần Thái Sơn, khi anh biểu diễn trên nền tảng trực tuyến không được sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng như trên sân khấu, có khi có những đoạn âm thanh chưa kịp chuẩn bị. “Tuy nhiên, nghệ sĩ khi biểu diễn ở đâu đều rất chau chuốt. Thay vì những tiếng vỗ tay trên sân khấu, nghệ sĩ được đón nhận những lượt like, share, những lời bình luận khen ngợi, động viên ấm áp của người xem” – nghệ sĩ Trần Thái Sơn chia sẻ.

Có thể thấy, dù bối cảnh dịch bệnh khiến việc biểu diễn gặp nhiều khó khăn nhưng khi nhập cuộc với tâm thế của những nghệ sĩ truyền cảm hứng tới cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những rào cản ấy đã được tháo gỡ trong sự đồng cảm và sẻ chia từ khán giả. Trong buổi livestream vừa qua của nghệ sĩ Thái Sơn đã có 1.000 lượt like, hơn 2.000 bình luận và 18.000 lượt xem.

Xây dựng thương hiệu

Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam Vũ Hương Lan cho biết: “Hai năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sân khấu không sáng đèn nên các hoạt động bị hạn chế nhiều, không có thông tin để đưa lên. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thay đổi để đạt hiệu quả tốt hơn. Và do cơ duyên, trong một cuộc nói chuyện với nghệ sĩ Trần Thái Sơn về ý tưởng biểu diễn livestream trên fanpage Nhà hát, tôi cùng ekip thực hiện chương trình đã nhanh chóng bắt tay vào việc”.
 Chương trình ''Giữ lửa đam mê'' của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: Nhà hát Chèo Việt Nam.

Từ việc xây dựng chương trình, số lượng người tham gia, địa điểm biểu diễn đều được Nhà hát Chèo Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo chuyên môn cũng như công tác phòng chống dịch. Nói về những trăn trở của nghệ sĩ chèo khi biểu diễn trên nền tảng trực tuyến, chị Vũ Hương Lan cho biết: “Ban đầu chương trình dự kiến có 2 người gồm 1 nghệ sĩ và 1 người dẫn chương trình. Tuy nhiên, nếu như vậy, một người phải đeo khẩu trang, một người hát không đeo sẽ không đảm bảo việc phòng, chống dịch. Vì vậy, chúng tôi quyết định chỉ để một nghệ sĩ xuất hiện trước khán giả. Bản thân tôi nghĩ, đây là dịp nghệ sĩ được rèn luyện bản thân mình khi đứng trước công chúng”.

Chương trình “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam sau khi phát sóng những số đầu tiên đã nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả. Có thời điểm, người xem lên đến gần 500 người. “Có thể với con số hàng trăm chưa nhiều vì có nghệ sĩ hàng chục nghìn người xem. Nhưng với chúng tôi, con số này cũng tương đương với lượng khán giả đến với rạp Kim Mã vào 1 đêm diễn. Mặt khác, với các sản phẩm trên TV hay Youtube… đều là sản phẩm công nghệ, chỉnh sửa của phòng thu. Còn livestream, đó là sản phẩm của trình độ và tài năng thực sự của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, Ban Giám đốc cũng đề nghị Đoàn Thanh niên Nhà hát Chèo báo cáo dự kiến những người nào lên sóng và hát như thế nào và yêu cầu gắt gao về chuyên môn” – chị Vũ Hương Lan cho hay.

Hiện nay, dù có nhiều khó khăn, Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn nỗ lực với mong muốn sẽ duy trì chương trình trong thời gian dài, đưa “Giữ lửa đam mê” trở thành thương hiệu trên nền tảng trực tuyến của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Trong tình hình dịch bệnh, nghệ sĩ cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Vì thế, chúng tôi đồng ý để Đoàn Thanh niên của Nhà hát thực hiện chương trình hàng tuần, giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ. Qua đó, nghệ sĩ có sân chơi, giao lưu với khán giả để giữ lửa đam mê, khi hết đại dịch lại bước vào các chương trình biểu diễn lớn; đồng thời động viên tinh thần người yêu nghệ thuật truyền thống trong mùa dịch.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam