Nghệ thuật truyền thống “bắt tay” cùng du lịch phục hồi

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối là những nét đẹp văn hoá thu hút khách du lịch đến với Hà Nội. Nắm được lợi thế này, các đơn vị nhà hát, sân khấu đã kết nối với du lịch trong khoảng thời gian dài, nhưng cái “bắt tay” vẫn còn lỏng lẻo.

Dậm chân tại chỗ

Trong tọa đàm “Sân khấu truyền thống với du lịch” do Câu lạc bộ Nhà báo Sân khấu mới tổ chức với sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật, lãnh đạo các đơn vị đã chia sẻ về bức tranh tổng thể của sân khấu truyền thống sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

NSND Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: “Nhà hát vẫn diễn vào tối thứ Hai, thứ Năm. Chúng tôi kết nối với BQL phố cổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để biểu diễn cho du khách. Các đơnv ịđánh giá đây là một sản phẩm tốt cho du lịch nên hết dịch họ lại bắt tay với chúng tôi ngay”. Chia sẻ về “sức hút” của nghệ thuật múa rối, lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, từ nhiều năm trước đã làm các tờ giới thiệu in nhiều thứ tiếng để phát cho khách quốc tế trước đêm diễn, thậm chí làm cả bảng phụ đề chiếu song song với chương trình”.

Tương tự, Nhà hát Chèo Việt Nam đã có những khởi động khá ấn tượng khi phối hợp với du lịch, NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Khi bắt tay với các tour có khách Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Nhà hát đã chuẩn bị các chương trình có thời lượng từ 20 đến 30 phút, 50 phút, hoặc 1 tiếng tùy từng đối tượng hợp đồng. Đồng thời, nhà hát còn chuẩn bị sân khấu lớn, sân khấu nhỏ cho từng tour có số lượng khách đông hoặc vắng”.

Dù đã có nhiều đổi mới, nhưng tại buổi toạ đàm, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật thẳng thắn nhìn nhận, việc "bắt tay" giữa các công ty du lịch vẫn còn lỏng lẻo. Đơn cử, Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện tại vẫn phải bươn chải để mưu sinh, chưa thể làm được sản phẩm phục vụ du lịch. NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, họ cũng kết hợp xiếc để ra những vở cải lương - xiếc với cách thể hiện mới. Những vở này được ông Kiên đánh giá là học theo mô hình nổi tiếng Cirque du Soleil của Canada. Tuy nhiên, Nhà hát Cải lương vẫn phải đi kiếm tiền tại các tỉnh. “Chúng tôi chưa dám mơ ước gì cao xa, mô hình phục vụ du lịch chắc phải vài năm tới” - ông Triệu Trung Kiên nói.

Lời giải cho các đơn vị nghệ thuật

Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật chỉ ra rằng, để nghệ thuật sân khấu thu hút khách du lịch cần phải có những mô hình có sự kết nối chặt chẽ với các công ty du lịch, đồng thời tạo ra hệ sinh thái đồng bộ để đáp ứng mọi nhu cầu và quỹ thời gian của khách du lịch. Cụ thể là, mọi thứ không thể chỉ đơn giản là dựng tiết mục, và “đặt hàng” để các tour du lịch đưa khách tới xem.

Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, các nhà hát hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa sân khấu và đưa ra những sản phẩm du lịch thực sự. Việc bê nguyên si các trích đoạn kinh điển bị không ít du khách phàn nàn về nhịp điệu, tiết tấu chậm rãi và kéo dài lê thê. Vì thế, sản phẩm sân khấu chào bán theo tour tuyến cần phải được tính toán, đầu tư không ít tiền của nhưng vẫn giữ được khuôn vàng thước ngọc.

Ở nước ngoài có những trung tâm nghệ thuật biểu diễn tập hợp được các loại hình nghệ thuật truyền thống và đặc sắc của mỗi nước thành một chương trình. Do vậy, NSND Triệu Trung Kiên mạnh dạn đề xuất ý tưởng xây dựng một tổ hợp vui chơi giải trí nghệ thuật tập hợp được nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.

Ý tưởng này của NSND Triệu Trung Kiên được lãnh đạo các nhà hát khác của T.Ư  tán thành. NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, ông đã xem 2 tour nghệ thuật của Thâm Quyến (Trung Quốc) tại khu trung tâm giải trí nghệ thuật có đầy đủ các dịch vụ, có các show diễn. Khi đã vào đây, du khách không phải đi xem ở bên ngoài nữa và cũng không phải đi xa. “Theo tôi, có một tổ hợp giải trí mà trong đó có các đơn nguyên nghệ thuật truyền thống là vô cùng lý tưởng. Nhưng sản phẩm này phải tính toán rất kỹ lưỡng, phải có sự đầu tư cả về trí tuệ và quảng bá” – ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay.

Trước đây, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục du lịch đều rất quan tâm tới vấn đề đưa nghệ thuật truyền thống vào khai thác du lịch. Nhiều cuộc tọa đàm, giải pháp tháo gỡ đã được đưa ra nhưng tình hình chưa thay đổi theo hướng khả quan. Đặc biệt, 2 năm đại dịch vừa qua, các nhà hát đều án binh bất động.

 

Phải có một tổng chỉ huy để tạo nên sức bật cho nghệ thuật truyền thống phát triển. Chiến lược quảng bá, chiến lược marketing hiện nay chúng ta không hề quan tâm, cần có sự điều phối giữa các loại hình nghệ thuật để tạo nên tính hấp dẫn và đa dạng.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam

Cái khó với nhà hát hàng đầu của ngành chèo này lại nằm ở phòng truyền thông. Tức là gặp khó ở vấn đề nhân sự marketting cần những người vừa am hiểu về nghệ thuật, có ngoại ngữ lại vừa làm quảng bá du lịch tốt. Hiện nay, nhà hát đang sử dụng nhân sự marketting theo lối có thế nào dùng thế đó nên chưa bắt nhịp được với thời đại.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam