Nghề trồng hoa ở Tây Tựu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối năm, người dân ở làng hoa Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại tất bật cho vụ hoa tết.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 20 km, phường Tây Tựu, thuộc quận Bắc Từ Liêm từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng hoa phục vụ trong dịp lễ, tết. Cho dù Tây Tựu đã được đổi thành phường từ lâu, nhưng bây giờ kể cả những người đến mua hoa, hay người trong phường đều gọi Tây Tựu với cái tên “làng hoa” chứ không phải là “phường”.

Hàng năm, bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch, người dân ở làng hoa Tây Tựu lại tất bật bắt tay vào chuẩn bị cho một vụ hoa Tết.
Cắt cành cúc để làm giống.
Cắt cành cúc để làm giống.
Theo chia sẻ của những người trồng hoa tại đây, vào dịp này cánh đồng Tây Tựu chủ yếu là hoa hồng và hoa cúc. Hoa hồng được người dân trồng quanh năm. Mùa hè bông hồng nhỏ chủ yếu là để nuôi cây. Thời điểm này, trời bắt đầu lạnh, hoa hồng cho bông to và đẹp. Người trồng hoa cắt tỉa bớt cành già, ngắt bông đã đến kỳ thu hoạch và phun thuốc trừ sâu, chăm bón để cây khỏe chuẩn bị cho vụ hoa tết có nhiều bông to, đẹp. 

Hoa cúc, ở đây người dân cũng trồng quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các dịp cúng lễ, tuần rằm. Riêng vụ hoa cúc tết thì bà con phải xuống giống trước tết từ 3 – 3,5 tháng. Có một số giống hoa còn phải trồng thời gian trước tết đến 4 – 4,5 tháng.
Cúc mới trồng phải che phủ.
Cúc mới trồng phải che phủ.
Giống cúc không mất chi phí nhiều. Bà con chỉ phải nhân cây giống mẹ trước vài tháng, sau đó cấm ngọn để cho cây ra nhiều nhánh. Mỗi nhánh được cấm dài chừng 7-8cm để trồng. Điều quan trọng nhất khi chọn giống cúc đó là ngọn cành đã nhú nụ thì bỏ luôn, nếu không khi dâm xuống cây mới bén rễ cũng đồng thời ra bông, như vậy sẽ phải phá bỏ. 

Sau khi trồng bà con phải che bằng màng che phủ nilông. Khoảng 10 – 15 ngày cây đã bén dễ, khỏe cây thì bắt đầu bỏ màng che phủ chăm sóc. Một trong những phương pháp để cúc có thân cây dài đẹp thì phải thắp điện. Nếu không, cây chưa kịp phát triển đã ra hoa. Cũng chính nhờ có kỹ thuật thắp điện cho cây mà người dân Tây Tựu có thể hẵm cho cúc ra hoa đúng thời điểm cần bán.

Mỗi sào có thể trồng từ 2 – 3 vạn cây cúc. Vào vụ tết, ngoài các loại hoa cúc giống lai của Trung Quốc, bà con ở Tây Tựu trồng giống cúc Đại đóa. Đây là giống cúc truyền thống của Việt Nam, cho bông to, cánh dài cong, màu vàng óng, rất đẹp cho trang trí bày trên ban thờ ngày Tết.
Cúc chuẩn bị được thu hoạch.
Cúc chuẩn bị được thu hoạch.
Theo những người trồng hoa ở đây, nếu trồng khoảng 3-5 sào hoa cúc chỉ đủ trang trải chi phí điện, phân bón, vật tư chăm sóc cho cây và dư dật đủ tiêu dùng trong gia đình. Nếu như gặp phải vụ cúc giá rẻ từ 1.000 đồng/bông trở xuống thì coi như người trồng bị lỗ. Có những khi bà con phải bán đổ, bán thảo chỉ có 20.000 – 30.000/bó 50 – 80 bông. Để có lãi thì giá hoa bán tại ruộng từ 1.500 đồng trở lên. 

Bây giờ ở Tây Tựu ngoài trồng cúc, hồng đón tết thì nhiều người có vốn lớn đã chuyển sang trồng hoa ly. Bởi vì, hoa ly chỉ trồng trong 2 tháng là được thu hoạch. Khi xuống giống cây lớn rất nhanh, nên người trồng không mấy chi phí nhiều cho chăm bón, nhưng giống cây lại chi phí cao. Gặp được năm giá tốt, bà con có thể thu gấp nhiều lần so với trồng hoa hồng, hoa cúc. Nhưng mất giá thì người trồng ly cũng liêu xiêu.

Cho dù, trồng loại hoa gì thì người Tây Tựu đều phải  nhọc nhằn một nắng, hai sương và cần nhất là có kiến thức khoa học kỹ thuật về mỗi loại cây để cho ra sản phẩm hoa đẹp nhất.

Sau đây là một số hình ảnh về chăm sóc hoa của người dân Tây Tựu chuẩn bị cho vụ hoa Tết:
Cúc trồng cho vụ Tết đang phát triển đẹp.
Cúc trồng cho vụ Tết đang phát triển đẹp.

Nghề trồng hoa ở Tây Tựu - Ảnh 1
Nhổ có cho cúc.
Nhổ cỏ cho cúc.

Nghề trồng hoa ở Tây Tựu - Ảnh 2
Phun thuốc trừ sâu cho cúc.
Phun thuốc trừ sâu cho cúc.
Cắt hoa hồng.
Cắt hoa hồng.
Tưới cho hoa hồng.
Tưới cho hoa hồng.