Diễn viên trẻ, già đều khócTrước kia, Rạp xiếc Việt Nam trên đường Trần Nhân Tông là địa chỉ mơ ước của thiếu nhi. Ngày nay, nhắc đến nghệ thuật xiếc, vẫn những tiết mục được chuẩn bị công phu như vậy nhưng không còn thu hút khán giả nhí. Trẻ em thích bố mẹ đưa đến công viên, siêu thị, trung tâm thương mại hơn là rạp xiếc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì sau nhiều năm, dàn diễn viên xiếc tài năng đều đã lớn tuổi nhưng ngành xiếc Việt Nam không tìm được diễn viên trẻ thay thế. Đến giờ, những diễn viên U50 vẫn phải đứng sân khấu. Tại buổi tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập” ngày 8/12, NSƯT Phi Vũ - Phó Giám đốc Nhà hát Phương Nam chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi không có lớp diễn viên kế thừa bởi chế độ đãi ngộ của diễn xiếc rất thấp, trong khi tuổi nghề ngắn ngủi”.
Khâu đào tạo diễn viên xiếc và môi trường quản lý sau đào tạo cần có chuyên đề riêng. Chúng ta mới quan tâm tới vấn đề nâng cao chất lượng về mặt kỹ thuật, kỹ xảo nhưng chưa quan tâm tới việc đào tạo ra tài năng thì lấy gì để sống? NSND Ngọc Trúc |
Diễn viên xiếc Bùi Hải Quân cũng tâm sự: “Tôi 35 tuổi, sức đã hao, khi diễn một số tiết mục xương khớp rất đau. Đi chụp phim, bác sĩ không ngờ là của người 35 tuổi mà phải của người 47 tuổi. Chúng tôi khóc rất nhiều rồi. Lương của diễn viên trẻ mới ra trường chỉ được hơn 2 triệu đồng, nếu đi làm ngoài không có thời gian cho sân khấu”.
Lương, chế độ đãi ngộ thấp nên lớp trẻ ngày nay không mặn mà với nghệ thuật xiếc. Trong khi đó theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, trường xiếc mỗi lần đi tuyển rất khổ vì thiếu người đầu quân. Nghệ sĩ có cuộc sống tốt thì người ta mới vào trường xiếc nhưng đầu ra chưa tốt nên đầu vào khó khăn là đương nhiên. Hiện nay, hầu như các đoàn như Nhà hát Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều rất khó khăn, lo lắng về nguồn diễn viên trẻ.
12 năm mới có dịp thi tài12 năm trôi qua kể từ Liên hoan xiếc toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, các nghệ sĩ xiếc trong nước mới có dịp được hội ngộ tại Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018. Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật, giải trí khác luôn hoạt động thường xuyên, sôi nổi và được công chúng quan tâm. Cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, không gian dành cho xiếc đang dần bị thu hẹp. Làm thế nào để nghệ thuật xiếc có hướng phát triển trong xu thế hội nhập là câu hỏi mà những ai tâm huyết với loại hình nghệ thuật này luôn trăn trở.
Theo NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, một trong những yêu cầu quan trọng chính là chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng cũng như mức đầu tư kinh phí; cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tuy nhiên, NSND Tạ Duy Ánh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, đã mệt mỏi với suy nghĩ làm thế nào để diễn viên xiếc có cuộc sống đầy đủ. "Diễn viên Việt Nam ăn một bát mì không người lái nhào lộn ba, bốn vòng. Trong khi đó, diễn viên xiếc quốc tế được bồi bổ nên sức bền, tuổi nghề cao hơn" - NSND Tạ Duy Ánh ngậm ngùi.
Còn theo PGS.TS Phạm Duy Khuê, chúng ta có cả một đội ngũ trí thức của ngành xiếc những đào tạo xiếc hàn lâm còn kém. Xiếc Việt không kém quốc tế, có thể làm được những tiết mục hàn lâm nhưng chúng ta chưa quan tâm đầu tư. Đó chính là nguyên nhân khiến xiếc Việt nhạt nhòa với khán giả và các cuộc thi xiếc quốc tế.