Chưa từng ra Trường Sa nhưng có lẽ nhiều người dân Việt Nam đều biết đến sự kiện Trường Sa năm 1988. Suốt 22 năm, trên đường từ đất liền ra quần đảo thiêng liêng, bất kỳ đoàn công tác nào khi đi qua khu vực đảo Gạc Ma, Colin đều dừng lại để thực hiện 1 nghi thức truyền thống: tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trong sự kiện Trường Sa năm 1988.
Trong những ngày tháng 6/2010, cũng tại vùng biển này, con tàu HQ996 của Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng) chở đoàn công tác số 10 của chúng tôi ra Trường Sa đã neo đậu giữa biển Đông để 1 lần nữa hướng về các đồng chí, đồng đội, đồng bào của mình, những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Mang trên mình sắc phục chỉnh tề, hình ảnh trang nghiêm của các chiến sỹ Hải quân trên tàu Hải quân HQ996 thực hiện nghi thức tưởng niệm Quân sự càng thôi thúc chúng tôi hướng về đảo Gạc Ma thiêng liêng, nơi mà cách đây 22 năm có hơn 60 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng tàu chiến Hải quân “nước ngoài” để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ.
Một vòng hoa được chuẩn bị từ đất liền với dòng chữ “Đời đời biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”. Lễ vật đơn sơ với hoa, quả, kẹo bánh, cùng với đó hàng trăm nhà sư, tăng ni, phật tử đã làm lễ cầu siêu cho các anh.
Lễ tưởng niệm bắt đầu, con tàu HQ996 hú lên 3 hồi còi thống thiết khiến sóng biển, gió biển dường như cũng lặng đi. Trong khoảnh khắc ấy, tay cầm nén nhang, hoa cúc trắng, mọi người tới bàn tưởng niệm kính cẩn nghiêng mình, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má, những tiếng nấc nghẹn từ trong tim không thể cất thành lời, những đôi mắt trĩu nặng tình đồng chí, đồng bào hướng về biển cả mênh mông.
Là những người chiễn sỹ gắn bó với Trường Sa từ những ngày đầu giải phóng, các anh đã tạm gác cuộc sống riêng tư, bất chấp nguy hiểm, chung sức, chung lòng, quyết tâm chiến đấu và hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Sự ra đi của các anh đến ngày hôm nay vẫn là nỗi tiếc thương, niềm hi vọng hư vô cho những người mẹ, người cha, người vợ, người con hàng ngày mong ngóng các anh trở về.
Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, góp phần phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đổi mới và hội nhập, chúng tôi - những người đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền quần đảo Trường Sa và xây dựng Trường Sa trở thành 1 huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông.