Tuy nhiên, để TPDN thực sự về “mùa bình thường mới”, DN cần nghiêm túc thực hiện các cam kết trên cơ sở đồng hành của khách hàng.
Hoãn quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2023. Một số thay đổi lớn bao gồm: Nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm nếu có sự đồng ý của trái chủ.
Đáng chú ý, Nghị định này hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu đến 31/12/2023.
Trước đó, theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, chuẩn nhà đầu tư chứng chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được nâng lên: Danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.
Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17.500 tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10.500 tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng quy định, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán.
Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên. DN phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.
Về xếp hạng tín nhiệm, Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu nếu DN phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Một trong những sửa đổi giới chuyên gia đánh giá “hơi đáng tiếc” là hoãn quy định lùi xếp hạng tín nhiệm. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cho rằng, đây là yếu tố góp phần minh bạch thông tin cho thị trường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư.
Tuy nhiên, FiinRatings vẫn đang triển khai vì yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức và sự chủ động minh bạch của một số DN. Hơn nữa, Nghị định 65 về TPDN trước đây cũng chỉ quy định một số trường hợp bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Điều này tốt cho việc thực tế phát hành nhằm tăng tỷ lệ thành công vì có thời gian hơn.
Giải pháp tình thế giải quyết các vấn đề của trái phiếu bất động sản
Theo đại diện Fiiin Group, các quy định mới theo Nghị định 08 có giá trị tích cực và là cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung tiếp theo.
Còn TS Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 08 sẽ có ba tác động chính. Thứ nhất là tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép DN phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023 (khoảng 120.000 tỷ đồng đối với các DN bất động sản) và năm 2024 (khoảng 110.000 tỷ đồng đối với DN bất động sản).
Hai là, Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là tài sản, bất động sản hay tài sản khác) một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này.
Theo đó, DN cần công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho các nhà đầu tư; ngược lại, cũng cần có sự chia sẻ, đồng hành và thiện chí của nhà đầu tư.
Ba là, cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.
Thời gian tới, kỳ vọng pháp lý dự án được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho ngân hàng tái tài trợ, cơ cấu tín dụng cho DN, mở bán và chuyển nhượng dự án, để 400.000 tỷ đồng TPDN bất động sản được “hạ cánh mềm” và hạn chế tác động chéo thêm đến ngành ngân hàng và thị trường tài chính, chứng khoán.
Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuân
Điều này là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực.
Thực tế, một số sửa đổi theo Nghị định hiện nhiều DN đã thực hiện. Đó là đàm phán với trái chủ để “hàng đổi hàng”, gia hạn thời gian tất toán trái phiếu.
“Điều này cũng tốt để có một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu TPDN. Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt DN và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán” - Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh.
Về quy định được đàm phán kéo dài kỳ hạn TP tối đa 2 năm, giới phân tích nhận định, sửa đổi này tốt khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng. Chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý với ngành ngân hàng đã làm.
Nhưng với TPDN được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân thì cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát. Tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không thu được gì.
Ngoài các giải pháp tháo gỡ, sự hợp tác, thiện chí của trái chủ, DN nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30 - 40%; đẩy mạnh cơ cấu; sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang. Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, hạn chế đầu tư dàn trải…
Bộ Tài chính xem xét các giải pháp khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sớm chủ động phát triển năng lực cung cấp dịch vụ xếp hạng, đồng hành, tất cả là vì sự phát triển chung của thị trường vốn cho nền kinh tế, DN và nhà đầu tư.
TS Cấn Văn Lực