Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị định 15 về Quản lý ATTP: Mới ban hành đã lộ nhiều bất cập

Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm tối đa các thủ tục quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) là nội dung mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau hơn một tháng thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, cũng lộ rõ những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.

Theo Nghị định 15, DN được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu Kinh tế T.Ư, có khoảng hơn 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải làm các thủ tục về mặt hành chính. Nếu làm được theo đúng tinh thần này có thể tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện một số UBND tỉnh, TP chưa có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp nhận hồ sơ tự công bố của DN.
 Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra ATTP tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Thu Ngân
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, “ở một số địa phương, việc tiếp nhận hồ sơ tự công bố của DN vẫn do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện, song nhiệm vụ này vẫn chưa chính thức, sau này nếu UBND tỉnh lại giao cho cơ quan khác tiếp nhận sẽ gây khó cho DN”.
Ngoài ra, trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về ATTP nhập khẩu tại khoản 1, Điều 13 của Nghị định không quy định để được miễn kiểm tra ATTP đối với lô hàng nhập khẩu, khi làm thủ tục hải quan DN phải nộp/xuất trình cho cơ quan hải quan bản sao/bản chính “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm”, gây khó cho cả hai phía.

Cũng theo phản ánh của phía hải quan, tại Điều 16, 18, 19 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định phương thức kiểm tra giảm áp dụng tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kiểm tra hồ sơ. Quy định này hiện chưa thể thực hiện được do thiếu cơ sở dữ liệu, quy định giấy tờ phải nộp chưa cụ thể.

Chẳng hạn, theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, để xác định được số lượng 5% tổng số lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm cần có dữ liệu thống kê về tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm, tính từ ngày Nghị định 15 có hiệu lực (từ 2/2/2018), hay từ khi DN mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa.
Đối với các lô hàng nhập khẩu, để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 17. “Tuy nhiên, cơ quan hải quan chưa được Bộ Y tế cung cấp thông tin dữ liệu về các lô hàng đáp ứng được các điều kiện này. Trường hợp DN được phân luồng xanh thì DN nộp hồ sơ giảm thế nào (vì luồng xanh không yêu cầu DN nộp hồ sơ)” - đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết.

Trước những băn khoăn trên, lãnh đạo Cục ATTP cho rằng, phương pháp kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra không quá 5% hồ sơ của DN là tạo thuận lợi tối đa cho DN, điều đó đồng nghĩa cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải chấp nhận một tỉ lệ rủi ro nhất định.
“Cơ quan hải quan có thể lấy ngẫu nhiên bất kỳ hồ sơ nào của DN, nhưng tỉ lệ không vượt quá 5%, tức là có thể 1%, tùy theo điều kiện. Vấn đề mấu chốt là tăng cường công tác hậu kiểm để xử lý vi phạm nếu có” - ông Phong bày tỏ.

Ngoài ra, nhiều người lo ngại, những qui định “thoáng” tại Nghị định 15 sẽ tạo kẽ hở trong công tác kiểm soát ATTP. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc công bố các chỉ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng phải căn cứ vào các quy chuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành, nếu vi phạm, công bố quá thấp hoặc quá cao, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm như phạt tiền, thu hồi sản phẩm, ngừng sản xuất, bồi thường thiệt hại nếu có...
Bên cạnh đó, Bộ kiến nghị các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Điều 317, Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định ATTP, trong đó có mức xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù để tránh tối đa việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm

Tháng hành động Vì ATTP năm 2018 có chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm" diễn ra từ 15/4 đến 15/5 trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP giao các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn liên ngành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, TP gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Hà Nội, Ninh Bình, Cần Thơ, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Các đoàn tập trung thanh kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề; Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng về việc thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn… (Nhật Nguyên)