Rào cản lớn khi chênh lệch tuổi nghỉ hưu
Nêu quan điểm về chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam cho rằng, cân bằng về cơ hội trong thị trường lao động bao gồm cả cân bằng ở độ tuổi nghỉ hưu. Việt Nam có khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ. Đây là một rào cản lớn. Nghỉ hưu sớm hơn 5 năm ảnh hưởng tới cơ hội đào tạo, bổ nhiệm, thăng tiến cho phụ nữ. Phụ nữ về hưu sớm thì lương hưu cũng thấp hơn nam trong khi tuổi thọ trung bình của họ lại cao hơn nam là 7 năm.
Bên cạnh đó, xã hội quan niệm rằng, khi phụ nữ về hưu thì sẽ quay lại với công việc chăm sóc con cháu, nhường chỗ cho thế hệ trẻ trong khi vai trò này thì phải bao gồm mong đợi của xã hội đối với cả nam giới chứ không riêng gì phụ nữ. UN Women đang cùng trao đổi với các bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam để sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có nội dung liên quan đến tuổi nghỉ hưu.
Theo bà Elisa, Việt Nam sẽ dần thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (62 tuổi với nam giới và 60 tuổi với nữ). Khi đó, khoảng cách sẽ thu hẹp từ 5 năm xuống 2 năm. Điều này giúp phụ nữ có cơ hội lương hưu cao hơn, được cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Rào cản trong giáo dục và nghiên cứu khoa học
Hiện nay trên thực tế , tỷ lệ nữ sinh ở một số trường chiếm 50% gần như tương đương thậm chí cao hơn nam giới nhưng càng học lên cao thì tỷ lệ này càng thấp.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, mới đây, Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động với khối trường KHTN – “lãnh địa” mà nữ giới ít quan tâm thì tỷ lệ nữ sinh đã tăng nhiều, hiện là 61%.
Hay như các trường ĐH Bách khoa, Y khoa thì số nữ sinh cũng hơn 40%. Tỷ lệ nữ thủ khoa hiện cao hơn cả nam giới. Nhưng rào cản là gì? Đó là định kiến giới tồn tại quá lâu không chỉ thực tế mà còn tồn tại dai dẳng trong suy nghĩ của nhiều người. Nếu gia đình có 2 người con 1 nam 1 nữ mà quyết định chọn đầu tư cho ai thì chắc chắn là chọn đầu tư cho nam.
Quan niệm là phụ nữ học cao để làm gì cũng là một rào cản. Nghiên cứu của tôi về việc bạn mong đợi gì về phẩm chất gắn với giới? Kết quả cho thấy, phẩm chất nam giới gần như trùng khít với phẩm chất của người lãnh đạo, còn phụ nữ thì ngược lại. Thứ nhất, định kiến nam trưởng nữ phó, định kiến lãnh đạo là phải nam giới vẫn còn rất phổ biến.
Thứ hai, trên thực tế, thời gian phụ nữ dành cho gia đình cũng là rào cản. Chị em phụ nữ rất sẵn sàng vui vẻ với vai trò của mình nhưng nếu được chia sẻ thì sẽ hạnh phúc hơn, cơ hội phát triển nhiều hơn.
Bộ LĐTB&XH công bố thời gian làm việc nhà của chị em mỗi ngày trung bình là 175 phút, hơn nam giới 70 phút. Phụ nữ rất cần sự chia sẻ. Trung bình một người phụ nữ mất 5 – 8 năm cho việc sinh con và nuôi con nhỏ (với phụ nữ có 2 con và khoảng cách độ tuổi giữa hai con là 3 – 5 năm). Phụ nữ được làm mẹ vô cùng hạnh phúc nhưng đổi lại mất nhiều thời gian cho việc này. Trong khi đó, các dịch vụ xã hội hỗ trợ vẫn còn hạn chế.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, rất cần các dịch vụ hỗ trợ gia đình như nhà trẻ, đưa đón con… để hỗ trợ chị em học cao hơn: Học cao học, nghiên cứu sinh. Họ sẽ gửi trẻ ở đâu nếu không có nhà trẻ trong trường học để tạo điều kiện cho con họ? Rất nhiều trường ĐH hiện nay không có nhà trẻ, đây là một thách thức lớn.
Về chính sách, như bà Elisa nói về tuổi nghỉ hưu chẳng hạn, các độ tuổi theo đó cũng bị kéo theo nhiều chậm trễ. Độ tuổi đi học gần như gắn với giai đoạn thiên chức làm mẹ. Luật Bình đẳng giới quy định rõ chính sách cho phụ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng, đã ban hành và có hướng dẫn nhưng không thực hiện được vì quy định quá chung chung. Một lý do gây rào cản nữa là bản thân nhiều chị em phụ nữ học giỏi nhưng do lo toan cuộc sống, mệt mỏi buông tay không thực sự quyết tâm sắp xếp công việc khoa học để theo đuổi con đường học tập nghiên cứu.