Hủ tục và những biến tướng
Cái chết của ông Phạm Văn Lối (thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) vào đầu tháng 7/2020 chỉ vì nguyên nhân bị nghi có "đồ độc" hại người, đến giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của những người thân trong gia đình.
Bà Phạm Thị Xâm (vợ ông Lối) cho biết: “Chồng tôi trước giờ có hại ai đâu, nhưng không hiểu sao người dân cứ nghĩ chồng tôi có đồ độc rồi giết ông, vứt xuống sông. Trước khi ông chết, trong thôn có mấy lần hòa giải nhưng người ta vẫn không tin”.
Khu vực nơi các đối tượng vứt xác ông Phạm Văn Lối. |
Nghi kỵ cầm đồ thuốc độc không phải là chuyện mới hay chỉ diễn ra ở Ba Tơ, nó còn khá phổ biến ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi. Trong đó, Sơn Hà là một trong những địa bàn “nóng” về tệ cầm đồ thuốc độc. Theo thống kê của ngành chức năng, tính từ năm 2014 đến nay, có hàng chục vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xảy ra.
Bị nghi ngờ có đồ độc, nhiều người dù không bị sát hại nhưng gia đình cũng gần như kiệt quệ vì phải lo cúng kiếng, mua gà, lợn, rượu, thuốc để làm lễ “kà- xóa”, xin lỗi thần linh và mời dân làng khi bị nghi có đồ độc.
Đáng lo ngại hơn, nghi kỵ cầm đồ những năm gần đây còn có nhiều biến tướng phức tạp, nhất là lợi dụng lòng tin của đồng bào dân tộc đối về vấn đề này này, “vu” cho người mình ghét có “đồ” với mục đích trả thù riêng.
Ngoài ra, nhiều đối tượng cơ hội còn đánh vào tâm lý của người dân sợ "đồ độc" để lừa đảo, kiếm tiền. Tiêu biểu nhất là trường hợp 1 phụ nữ làm nghề thầy cúng ở xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà). Lợi dụng sự nghi kỵ cầm đồ thuốc độc của người dân mỗi khi trong gia đình có người đau ốm, người này đã phao tin mình có thể tìm được “đồ” và hóa giải. Sau đó, dùng gói “đồ” được chuẩn bị sẵn, giấu trong người để lừa bịp. Thống kê của cơ quan điều tra, đối tượng trên đã lửa đảo nhiều hộ dân với tống số tiền lên đến 12,5 triệu đồng.
Còn chưa có hồi kết
“Đồ”- tiếng H’re gọi là “Giơrông”. Trong suy nghĩ của người H’re, đây là một hỗn hợp gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, mẻ ché, mẻ chén, lông trâu… được trộn lẫn và gói thành miếng nhỏ, cũng có thể là một loại mangan độc. Đặc biệt, theo quan niệm “đồ” được người “cầm đồ” phù phép nên có quyền năng lớn, có thể trừ ma quỷ, bệnh tật, nhưng cũng có thể gây bệnh tật, giết người, vật nuôi.
Tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc vẫn còn diễn ra ở các huyện vùng cao của Quảng Ngãi. |
Theo các nghiên cứu, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc hình thành từ việc người dân hóa ra không giải thích được các hiện tượng tự nhiên, các sự việc xảy ra xung quanh mình rồi bắt đầu thần thánh, ma quỷ hóa các vấn đề dưới dạng bùa chú, mê tín dị đoan, dần dần hiện thực hóa vào cuộc sống. Đồng thời, phần lớn các nghi kỵ xảy ra khi có người chết, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh.
Những năm gần đây, nhận thức của người dân có tăng lên, các vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đã dần giảm bớt mức độ nghiêm trọng so với thời gian trước, nhưng trong tiềm thức của người dân, tâm lý nghi kỵ, sợ sệt vẫn còn chưa hoàn toàn được xóa bỏ.
Ông Phạm Văn Ôn - Chủ tịch UBND xã Ba Dinh (huyện Ba Tơ) thẳng thắn: “Đồ độc có quyền năng như người ta truyền tai nhau là không có. Chuyện nghi kỵ cầm đồ thuốc độc những năm gần đây cũng đã có giảm, nhưng nếu khẳng định không còn ai tin thì không đúng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nên khó thay đổi”.
Thực tế, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đã làm chia rẽ trong nhiều cộng đồng dân cư vùng cao, đồng thời là nguyên nhân nhiều vụ mâu thuẫn, xô xát, thậm chí thương vong và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác trong xã hội. Tuy nhiên, để xóa bỏ nhận thức được hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ là điều không hề đơn giản.
“Đây không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được. Chỉ có cách là tuyên truyền, vận động và chứng minh được bằng các chứng cứ cụ thể, phương pháp khoa học chính xác, rõ ràng, từ đó người dân tin và dần hiểu ra”, Trung úy Lý Thanh Bình - cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Sơn Hà chia sẻ.