Nếu như ở các điểm du lịch xa Hà Nội đã và đang trong tình trạng “thất thủ” bởi lượng người đổ dồn đến để vui chơi và nghỉ ngơi trong 3 ngày nghỉ lễ thì tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng ấy cũng xuất hiện ở rất nhiều nơi.
Nhiều địa điểm trong tình trạng “quá tải"
Nghỉ 3 ngày lễ cộng với việc mở cửa hầu hết các tụ điểm ăn – chơi cùng với tâm lý thoải mái sau đợt dịch thứ 4 khiến người Hà Nội cởi mở và thả lỏng hơn. Mặc dù không ít gia đình đã tranh thủ kỳ nghỉ ngắn để đi du lịch, nhưng các điểm ăn chơi, các trung tâm thương mại… ở Hà Nội vẫn chật như nêm.
Có mặt ở TTTM Aoen Long Biên ngay từ buổi trưa thứ 7, chị Nguyễn Thanh Hà (Long Biên) cho biết, mặc dù mới là ngày đầu nghỉ lễ, nhưng tại đây lượng người đã rất đông. “Cả 3 tầng của TTTM vốn đã rộng lớn này rất đông đúc. Nhất là các khu ăn uống ở tầng 1, tầng 3 thì nêm chặt. Nhiều nhà hàng ăn uống có hai chương trình combo và buffet đã từ chối phục vụ buffet vì lý do quá đông khách. Ở các chuỗi hàng chuyên món ăn Hàn Quốc lượng người xếp hàng lên đến vài chục người” – chị Hà cho biết.
Chọn lựa mãi chị Hà mới tìm được một nhà hàng có bàn trống. Tuy nhiên theo chị, giá thành vào cuối tuần và ngày lễ chỉ chạy mức giá cao, thế nhưng việc phục vụ lại rất kém. “Nếu ngày thường nhân viên liên tục chạy ra hỏi khách cần gì thì những ngày này việc gọi thêm món đã rất khó, nói gì đến chuyện chăm sóc kỹ càng của nhân viên. Bên cạnh đó các dãy bàn ăn vốn không thông thoáng lại càng nêm chặt bởi lượng khách đông, tiếng trẻ con khóc, tiếng người la hét khiến không gian ẩm thực trở nên bức bối, khó chịu” – chị Hà nói.
Cũng không đưa con đi du lịch, chị Nguyễn Ngọc Bích (Hai Bà Trưng) buổi tối dắt đứa con mới học lớp 2 cùng cậu cháu năm nay học lớp 6 lên phố đi bộ bờ Hồ cho biết, sau ít thời gian có mặt ở phố đi bộ, chị đã vội đưa hai cậu nhóc về. Việc xuất hiện quá đông người ở phố đi bộ khiến không chỉ chị mà kể cả những đứa trẻ sớm tỏ ra mệt mỏi.
“Nếu ngày thường bọn trẻ sẽ háo hức tung tăng đi bộ từ Tràng Tiền lên Hàm Cá Mập, mải mê xem những bản nhạc, bài hát ngẫu hứng của các anh chị sinh viên hoặc thích thú với những điệu khiêu vũ của các cô, các bác thì nay với những đám đông xúm chật cứng, lũ trẻ cũng bỏ cuộc. Niềm vui được lê la ăn kem Tràng Tiền cũng tiêu tùng khi mới vào cửa bởi lượng người xếp hàng lố nhố, ồn ĩ…” – chị Bích kể.
Dự đoán, ngày và tối chủ nhật lượng người đến phố đi bộ còn đông hơn bởi thứ 7 nhiều người vẫn còn đi làm, chị Bích cho biết, bởi rút kinh nghiệm trên phố đi bộ, hai ngày nghỉ còn lại chị sẽ nghỉ ngơi ở nhà thay bằng đến các khu vui chơi.
Suýt lạc con khi đưa con đi chơi ở Công viên Thủ Lệ, chị Trần Thị Thanh (Đông Anh) vẫn còn hoảng hốt nghĩ đến cảnh nghìn nghịt người ở công viên vốn không rộng rãi này. Chị cho biết, mới sáng thứ 7 chị cùng chồng đã vội vã sắp xếp để đưa hai đứa con “lên đường” đến vườn bách thú. Bởi hy vọng sau 1 thời gian dài ở nhà phòng, chống dịch, việc đến ngắm nghía và vui vẻ với những con thú trong công viên sẽ khiến các bé thích thú. Tuy nhiên khi vào đến nơi mới thấy sợ..
“Chỗ nào cũng thấy cảnh chen chúc, tìm được một chiếc ghế, mua được một chai nước giải khát thấy sao mà khó khăn. Lượng người quá đông cộng với cái nắng mới khiến cả nhà tôi mệt mỏi. Đã vậy chỉ trong ít phút sơ suất, suýt nữa tôi lạc mất thằng bé con mới 3 tuổi đầu. May mà cháu không đi đâu xa nên ngay sau đó gia đình đã tìm được” – chị Thanh kể. Và có lẽ chuyện cho con đi chơi mấy ngày nghỉ lễ không còn là lựa chọn hàng đầu cho gia đình chị.
Các dịch vụ hoạt động hết công suất
Làng gốm Bát Tràng những ngày nghỉ lễ cũng trong tình trạng như những địa điểm khác. Tất cả các địa điểm trông xe của làng gốm đều chật ních xe máy, xe ô tô. Tuy nhiên trong chợ Gốm lại thưa thớt người mua. Nhiều người bán hàng trong tình trạng ngồi thẩn thơ, ngắm nghía. Nhưng ngược lại, con đường dẫn đến Bảo tàng Gốm Bát Tràng lại có tình trạng tắc nghẽn, từng dòng xe nhích từng bước, thậm chí còn đứng im phơi nắng. Anh Hải (thôn 3, Bát Tràng), vừa thuần thục lái chiếc xe điện lùi lại để tìm lối đi khác phân bua, bởi khu vực Bảo tàng mới đi vào hoạt động nên phần lớn du khách đổ xô đến đó để chụp ảnh nên chợ Gốm đã bớt đi sự hấp dẫn.
“Đông thì tôi không sợ mà sợ nhất tắc đường. Nhưng đường ở Bát Tràng cũng dễ tắc vì hệ thống đường xá chỉ là đường làng, không phải quốc lộ. Đã vậy xe cộ của khách lại hay để ngay bên đường nên chỉ cần có một chiếc xe đi trước dừng lại là cả loạt xe sau không di chuyển được” – anh Hải lý giải.
Cũng giải thích việc chợ Gốm heo hắt, anh cho biết mấy ngày này chủ yếu người ta cho con cái đi chơi chứ không phải đi mua sắm nên mọi người sẽ tỏa đi trải nghiệm các dịch vụ như nặn gốm, vào bảo tàng hoặc khám phá ẩm thực. “Kinh nghiệm trở khách bao nhiêu năm ở Bát Tràng tôi nghiệm ra một điều, những ngày nghỉ lễ, Tết nên hạn chế đến những điểm du lịch, ăn chơi… bởi những ngày ấy do số người đến đông nên khách sẽ gặp rất nhiều phiền toái, đồng thời các dịch vụ cũng không còn hoàn hảo bởi quá tải"– anh Hải khuyến cáo.
Cùng suy nghĩ với anh Hải, anh Phạm Văn Dũng (Thanh Xuân) cho biết, gia đình anh vốn sinh sống ở một chung cư phức hợp, khu nhà anh ở có mấy tầng hầm phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi.
“Nếu ngày thường khu vực tầng hầm là nơi để gia đình vui chơi, giải trí, mua sắm thì những ngày nghỉ lễ tuyệt nhiên chúng tôi không đặt chân đến. Bao nhiêu năm ở đây cộng với vài chục kỳ nghỉ lễ, Tết… không lúc nào tầng hầm vắng vẻ." – anh Dũng nói.
Tốt nhất ngày nghỉ lễ nên có phương án hợp lý, tránh đến những nhà hàng ăn uống ở khu TTTM hoặc các điểm vui chơi, em Lê Phương Linh (Long Biên) nhân viên của một nhà hàng quan điểm.
“Những ngày nghỉ lễ, Tết nhân viên bọn em gần như không tăng lên nhưng lượng khách lại tăng đột biến. Tranh thủ những ngày này để “gỡ gạc” thời gian hầu như không hoạt động đợt dịch, quản lý nhà hàng thường bảo bọn em cố gắng hoạt động hết công suất. Nhưng sức người có hạn, đó là chưa nói nhiều khi không tính hết việc thiếu nguyên liệu bếp là chuyện thường nên việc phục vụ không được chu đáo là chuyện thường tình" – Linh chia sẻ.