70 năm giải phóng Thủ đô

Nghỉ lễ lại ùn tắc tại cửa ngõ Hà Nội: Đâu là giải pháp?

Phạm Công - Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, nhiều tuyến đường trọng điểm Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài. Lực lượng chức năng phải dốc hết quân số, gồng mình điều tiết, có thời điểm buộc đơn vị thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xả trạm để giải tỏa áp lực.

Áp lực cao chưa từng có

Dịp 30/4 - 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ liên tục 4 ngày. Kỳ nghỉ kéo dài cộng với dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát là thời điểm phù hợp để người dân đi du lịch, về quê thăm bạn bè, người thân...

Từ chiều 29/4 - ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, hàng trăm nghìn người và phương tiện cùng lúc đổ về các cửa ngõ, bến xe trên địa bàn TP Hà Nội khiến mật độ giao thông tăng cao kỷ lục. Các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm… đông nghịt người. Đặc biệt, tại Bến xe Nước Ngầm, đến 0 giờ ngày 30/4 mới giải tỏa hết hành khách.

Ùn tắc 10km trên đường Vành đai 3 đêm ngày 29/4.
Ùn tắc 10km trên đường Vành đai 3 đêm ngày 29/4.

Từ khoảng 15 giờ ngày 29/4, những tuyến đường: Vành đai 3, Quốc lộ 1 cũ, Vành đai 2, Quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đại lộ Thăng Long… dẫn ra các cửa ngõ Thủ đô ùn tắc cả hai chiều, phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một. Đặc biệt, trên tuyến Vành đai 3 - cửa ngõ phía Nam - Cao tốc Pháp Vân, hàng xe tắc cứng trong khoảng 10 tiếng đồng hồ.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Đội trưởng đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết: “Từ sáng sớm 29 đến cuối ngày 30/4, lượng phương tiện đổ về Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên miên không ngớt. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, túc trực 24/24 để phân luồng, điều tiết giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng phương tiện giao thông tập trung vào cùng thời điểm quá cao khiến việc lưu thông của người dân vẫn hết sức khó khăn”.

Anh Vũ Văn Tuyền quê ở Ninh Bình cho biết: “Cuối chiều 29/4, tôi xuất phát từ khu vực bến xe Mỹ Đình, sau hơn 1 giờ đồng hồ mới di chuyển được khoảng 7km trên đường Vành đai 3, làn khẩn cấp cũng không còn chỗ trống”.

Anh Lê Văn Hưng di chuyển từ Hà Nội về Nam Định ngày 30/4 chia sẻ: “Để di chuyển từ Bến xe Nước Ngầm đến trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ”.

Trong dịp nghỉ lễ năm nay, các tuyến cửa ngõ đều rơi vào ùn tắc nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều người dân phải “ăn nằm” trên đường ngót nửa ngày trước khi di chuyển được ra khỏi địa bàn Hà Nội.

Trước tình cảnh ùn tắc nghiêm trọng, các đơn vị CSGT, Thanh tra Giao thông huy động 100% quân số để phân luồng, điều tiết, giải tỏa áp lực giao thông trên đường. Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp cùng lực lượng CSGT yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành phải xả trạm để giải tỏa áp lực, đến gần trưa mới giải tỏa cơ bản ùn tắc, trạm thu phí trở lại hoạt động bình thường.

Cần giải pháp căn cơ

Sau 2 năm trầm lắng, hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã cho thấy sự bùng nổ về các chuyến đi đúng như dự báo của các chuyên gia. Tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng diễn ra ở khắp nơi, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích: Ùn tắc giao thông là hiện tượng đã lường trước được nhưng chưa có giải pháp nào tức thời để ứng phó hiệu quả. Lực lượng chức năng đã làm hết sức mình, nhiều người dân cũng chủ động lịch đi lại, nhưng vẫn không tránh được, nhiều thời điểm phải bó tay chịu trận.

“Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ như phát triển hạ tầng, hạn chế xe cá nhân, nâng cao ý thức tham gia giao thông… cần có biện pháp tức thời cho những tình huống cụ thể” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những kỳ nghỉ lễ dài ngày, Nhà nước nên có sự điều chỉnh, phân bổ hợp lý hơn. Ví dụ như việc chia lịch nghỉ cho các nhóm công nhân, cán bộ, viên chức, học sinh… có thể xem xét, sắp xếp lại.

Trên thực tế, Hà Nội hiện có hàng triệu người lao động, học sinh, sinh viên, cán bộ là người ngoại tỉnh. Mỗi kỳ nghỉ lễ, có thể xem xét cho nhóm công nhân, nghỉ trước một ngày; nhóm cán bộ, viên chức, sinh viên cho nghỉ sau một ngày. Như vậy có thể giảm bớt số lượng người và phương tiện tập trung vào cùng thời điểm.

Ùn tắc nhiều giờ đồng hồ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sáng 30/4.
Ùn tắc nhiều giờ đồng hồ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sáng 30/4.

Có các biện pháp khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, chủ động lịch đi lại như giảm giá vé máy bay, tàu hỏa, xe khách liên tỉnh vào các khung giờ thấp điểm của kỳ nghỉ lễ, trước hoặc sau kỳ nghỉ lễ 1 - 2 ngày.

Mặt khác, dịp nghỉ lễ tiếp tục tăng cường mạnh lực lượng cho CSGT, Thanh tra GTVT để vừa điều tiết vừa xử phạt nghiêm vi phạm gây hỗn loạn giao thông như lấn làn, vượt ẩu, dừng đỗ tuỳ tiện, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, cửa ngõ TP lớn.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói: “Trong những thời điểm tập trung quá đông phương tiện, một hành vi thiếu ý thức rất nhỏ thôi cũng có thể gây ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài. Ví dụ như việc chen lấn qua trạm thu phí BOT, hay đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc để vượt phải, cắt mặt, đè đầu các phương tiện khác… Nếu không xử phạt nặng các trường hợp này, giữ ngay hàng thẳng lối khi tham gia giao thông thì ùn tắc là không tránh khỏi, bất kể dùng biện pháp tổ chức, điều tiết nào”.

Việc xả trạm thu phí BOT tại khu vực cửa ngõ Hà Nội đã được thực hiện theo chỉ đạo của TP trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 15 vừa qua. Tuy nhiên, việc xả trạm có đúng quy định, có kịp thời, hiệu quả hay không cần phải giám sát chặt chẽ, không thể buông lỏng.