Đây là giải lần thứ hai với chủ điểm: "Hồi sinh và Tái thiết", tập trung vào những công trình và phát minh quan trọng giúp giải quyết thách thức lớn của nhân loại để hồi sinh sau đại Covid-19.
Giải thưởng lần thứ nhất có Giải thưởng chính (trị giá 3 triệu USD) trao cho 3 nhà khoa học: Vatalin Kariko, Drew Weissman và Pietter Rutter Cullis với công nghệ nghiên cứu vaccine mRNA cứu sống hàng triệu người.
Ngoài giải thưởng có giá trị rất lớn, người quan tâm còn chú ý đến thông điệp của giải: "Những thế hệ tới đây của Việt Nam sẽ thịnh vượng, tràn đầy niềm tin và tự tin, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển của đổi mới sáng tạo".
Chuyện giải thưởng mang tầm quốc tế như VinFuture dường như quá tầm suy nghĩ của những người dân bình thường như chúng tôi. Nhưng, chúng tôi vẫn cảm thấy hết sức tự hào về việc làm lớn, mang tầm suy nghĩ xa rộng của VinGroup, của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Chỉ có những tầm nhìn xa rộng như vậy mới có thể giúp đất nước Việt Nam nhanh chóng vươn tầm quốc tế về khoa học - kỹ thuật và kinh tế.
Có người so sánh giải VinFuture với Nobel. So sánh là có lý vì hai giải đều có tầm vóc lớn lao. Tuy nhiên, trong cuộc sống cần cạnh tranh nhưng cũng cần tôn trọng nhau. Cạnh tranh có thể triệt tiêu nhau, còn tôn trọng giúp cùng tồn tại và phát triển. Chúng ta cần tôn trọng giải Nobel vì tính lâu đời truyền thống của nó và đây là giải không thể thay thế. Còn VinFuture là giải mới, mang một sức sống mới, giải giảm bớt tính hàn lâm để hướng vào tính thực tiễn và nó cũng sẽ có vị trí trang trọng trong đời sống khoa học thế giới.
Trên thực tế, đất nước Việt Nam chúng ta đã từng thể hiện một tầm vóc lớn lao. Chúng ta có thể có các ví dụ như: Về kinh tế, nhà Nguyễn cho đào các con kênh, đặc biệt là kênh Vĩnh Tế, tạo lập đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, rộng lớn, góp phần giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất ở ngày nay. Trong giáo dục, chí sĩ Phan Bội Châu từng kêu gọi thanh niên ra nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để học tập; Hồ Chủ Tịch ngay từ đầu mới lập quốc từng mong muốn gửi thanh niên ưu tú sang Mỹ học về khoa học - kỹ thuật học…
Ngay năm 1945, nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh với thông điệp có tầm nhìn lớn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Thông điệp: “Sánh vai với cường quốc năm châu” nói trên sẽ không bao giờ cũ, cần được các thế hệ nghĩ và làm cho đến khi trở thành hiện thực.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng là một trong những người nghĩ lớn, làm lớn như vậy, như việc ông tổ chức sản xuất và bán xe ô tô điện ngay tại Mỹ, nơi có đối thủ lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này là Tesla; và như đã nói là giải VinFuture.
Điều người dân chúng tôi quan tâm là làm thế nào những việc làm, đặc biệt là tầm tư duy của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ được lan tỏa trong môi trường giáo dục, để thanh niên Việt Nam cùng hiện thực hóa thông điệp của VinFuture: "Những thế hệ tới đây của Việt Nam sẽ thịnh vượng, tràn đầy niềm tin và tự tin, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển của đổi mới sáng tạo".