Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ: Lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 có nhiều điểm mới đáng chú ý

Các bộ ngành, địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra.

Dự báo trúng để có quyết sách phù hợp

Nghị quyết 01 của Chính phủ nhận định: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hải Linh
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hải Linh

Về tình hình trong nước, Nghị quyết 01 nêu rõ: Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn…

Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế cho rằng, nền kinh tế nước ta đứng trước 3 “cơn gió nghịch” cần vượt qua. Đó là chính sách thắt chặt tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine, kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái và lạm phát của các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các tổ chức cho rằng, nếu tiến độ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy, đồng thời với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp tăng trưởng kinh tế.

Đưa ra chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ nhấn mạnh, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh. Chính phủ quán triệt 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá theo mốc thời gian hoàn thành cụ thể theo từng tháng, từng quý trong năm.

Cách tiếp cận mới trong bối cảnh mới

Nghị quyết 01 đã nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng, có nhiều điểm mới đáng chú ý để ứng phó với những diễn biến khó lường trong năm nay. Đặc biệt, sau 9 năm tồn tại độc lập, năm 2023 - lần đầu tiên, Nghị quyết 01 đã lồng ghép nội dung về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhìn nhận sự thay đổi này, theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Năng lực cạnh tranh và MTKD (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM), việc gộp Nghị quyết 02 vào Nghị quyết 01 trong năm 2023 để khẳng định, cùng với các chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì cải thiện MTKD là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. “Đây là cách tiếp cận mới của Chính phủ là phù hợp với bối cảnh mới và sẽ làm tăng áp lực cũng như động lực của cải cách trong thời gian tới”- bà Thảo nhìn nhận.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, chúng ta lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn của toàn cầu, bất ổn về tài chính trên thế giới. Đây là giải pháp quan trọng nhất mà Quối hội và Chính phủ cần phải thực hiện trong năm 2023.

Chính phủ nêu rõ, sẽ chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra DN; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng pháp luật của DN. Đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là đối với DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống của người dân; tăng cường chuyển đổi số…

“Những chỉ đạo và giải pháp mà Chính phủ đề ra rất đúng trọng tâm, đúng mong muốn, đúng thực tế. Nếu khâu thực thi tốt và cơ chế giám sát tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN nói riêng” - ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng.

Quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu

Theo Nghị quyết 01, trước ngày 20/1, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn tất việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai. Đến thời điểm này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai 108 nhiệm vụ, trong đó 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì. Song song với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN thì trọng tâm là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa.

Tại Nghị quyết 01, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao 9 chỉ tiêu Kế hoạch cho năm 2023, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9%, tăng trưởng xuất khẩu 6 - 6,5%... Bộ đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, việc triển khai nhanh chóng và đưa ra các kế hoạch hành động cho năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Với Nghị quyết 01, đặc biệt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả khi triển khai. Đúng với tinh thần của Chính phủ vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh…

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Quý Mão, nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 2023. Hàng loạt các dự án đầu tư công được khởi công khẩn trương, để đảm bảo chất lượng, tiến độ…; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023.

 

Một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm 2023 là việc hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất, kinh doanh sôi động. Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ về vốn cũng cần thực chất để mức độ ảnh hưởng lan tỏa. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho DN trong năm 2023.

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn

Nếu chúng ta thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại MTKD an toàn cho DN, thì trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, DN Việt rất có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó phục hồi qua giai đoạn khó khăn, đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai. Đây được coi là động lực và là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới.

Trưởng ban Năng lực cạnh tranh và Môi trường kinh doanh CIEM Nguyễn Minh Thảo