70 năm giải phóng Thủ đô

Nghị quyết 11/CP đang “ngấm” dần trong sản xuất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Qua 2 tháng hưởng ứng Nghị quyết 11/CP, ý thức thực hành tiết kiệm chống lãng phí của đa số người lao động nâng lên rõ rệt, giúp DN giữ SXKD ổn định, đảm bảo việc làm,

KTĐT - Qua 2 tháng hưởng ứng Nghị quyết 11/CP, ý thức thực hành tiết kiệm chống lãng phí của đa số người lao động nâng lên rõ rệt, giúp DN giữ SXKD ổn định, đảm bảo việc làm, thậm chí có nơi còn có tăng trưởng dù không cao như mọi năm nhưng cũng đáng khích lệ trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.


Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên (TNHH NNMTV) Điện cơ Thống Nhất Nguyễn Duy Đức cho biết: Mọi nguyên liệu đầu vào giá đều tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất quạt điện, trong khi tới 70% vật tư phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được. Bởi vậy, không phải đến cuối tháng 2/2011 khi có Nghị quyết 11, Cty mới thực hành tiết kiệm chống lãng phí mà các biện pháp giảm chi phí đầu vào được Cty siết chặt ngay từ đầu năm. Cty đã tiến hành rà soát hệ thống chiếu sáng, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, tắt ngay thiết bị điện khi không sử dụng… Đồng thời, tiến hành rà soát định mức tiêu hao, tỷ lệ pha, lọc lại dầu mỡ để tái sử dụng,…


"Giá nguyên liệu năm nay đã tăng nhiều lần trong khi đầu ra không thể tăng vì người tiêu dùng khó chấp nhận. Hơn nữa, DN dù được vay tín chấp (vì có mặt hàng thuộc diện chủ lực của TP) nhưng lãi suất cũng lên tới 20%, thời tiết năm nay lại rét kéo dài nên tận cuối tháng 4 quạt mới bán chạy…" - ông Đức bày tỏ. Song nhờ nỗ lực của cả tập thể CBCNV với nhiều biện pháp linh hoạt, Điện cơ Thống Nhất vẫn tăng trưởng hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đầu năm đến nay đã tuyển thêm 76 lao động tại các bộ phận. Năm 2011, DN vẫn đặt kế hoạch tăng 15%, đời sống CBCNV được đảm bảo với thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/tháng, tăng so với 4,6 triệu đồng năm ngoái.


Với Công ty TNHH NNMTV giày Thượng Đình, tại thời điểm hơn 10 giờ hằng ngày một số dây chuyền tạm dừng sản xuất trong khi một số bộ phận vẫn đang làm việc. Trưởng phòng Tổ chức Công ty lý giải, đó là do việc bố trí giờ nghỉ ăn trưa, người lao động thay nhau đi ăn, tránh dây chuyền hoạt động vào giờ cao điểm nhằm triệt để tiết kiệm điện. Ngoài ra, Cty cố gắng vận hành máy móc tiêu hao điện năng lớn chủ yếu vào ca 3 để tránh giờ cao điểm, sử dụng đèn tiết kiệm điện… Cty thành lập một ban kiểm tra tình hình sử dụng điện hằng ngày, theo dõi sát sao công tơ điện, rà soát lại định mức vật tư, nghiên cứu sử dụng những vật tư giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây được coi là biện pháp quan trọng bởi mọi loại vật tư nguyên liệu đầu vào như vải, keo dán giày, cao su… chiếm hơn 60% giá thành sản xuất.


Trong bối cảnh khó khăn, mục tiêu chính được Giay Thượng Đình đặt ra không phải tăng trưởng mà là duy trì ổn định SXKD và việc làm cho người lao động, song quý I/2011, doanh thu của Cty vẫn tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ giày vải nội địa 835.000 đôi, tăng 21%. Thu nhập bình quân của hơn 1.600 lao động năm nay phấn đấu 3,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.


Tại Công ty CP kim khí Thăng Long, Ban giám đốc giao chỉ tiêu giảm chi phí tới mọi bộ phận: giảm 50% hàng hỏng, giảm 1,5% lượng vật liệu sử dụng... Cty cũng đào tạo mới, đào tạo lại lao động, bổ sung nhân lực tại các khu vực trọng điểm; ứng dụng công nghệ mới ... Tổng giám đốc Phạm Hữu Hùng đánh giá: Mặc dù Kim khí Thăng Long có đối tác tốt, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đối tác sẽ chỉ chia sẻ một phần những ảnh hưởng trực tiếp của giá nguyên liệu đầu vào. Do đó, để đưa NQ 11/CP vào thực tế sản xuất hiệu quả hơn, DN mong được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp...


Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết, với tư cách là cơ quan thường trực được TP giao làm đầu mối tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất công nghiệp, để giúp DN triển khai tốt hơn Nghị quyết 11, Sở đang xây dựng riêng 1 chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho DN về vay vốn ngân hàng, mở rộng đất đai, nhà xưởng sản xuất…