Nghị quyết của Quốc hội sẽ cho phép Chính phủ thực hiện biện pháp cấp bách chống dịch

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội thống nhất sẽ quyết nghị các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Sáng 24/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì nghe các cơ quan có liên quan báo cáo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống Covid-19. Cùng tham dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, các Bộ trưởng: Bộ Y tế; KH&ĐT; Tư pháp; TT&TT; Bộ Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VOV

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đối với các nội dung phòng, chống dịch mà Luật đã quy định thì Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ toàn quyền quyết định. Nếu Luật chưa quy định thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện thông qua các Nghị quyết, Quyết định, báo cáo Quốc hội sau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp sáng nay, 474/474 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành với chủ trương điều chỉnh chương trình Kỳ họp bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19; thống nhất sẽ quyết nghị các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất nhằm cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là trình tự theo thể thức rất đặc biệt nên cũng cần phải có cách thức rất đặc biệt.

Sau khi nghe và cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội liên quan đến các giải pháp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với phạm vi điều chỉnh trong khuôn khổ công tác phòng, chống dịch Covid-19, xác định thời hạn áp dụng cụ thể tới hết năm 2022. Đối với các nội dung phòng, chống dịch mà luật đã quy định thì Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ toàn quyền quyết định. Nếu luật chưa quy định thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện thông qua các nghị quyết, quyết định, báo cáo Quốc hội sau. Nếu nội dung khác quy định của luật thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các đề nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Báo cáo tại cuộc họp, Chính phủ đề xuất Quốc hội 6 nội dung trong đó có việc cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt. Địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, trên thế giới, từ đầu dịch đến nay đã ghi nhận hơn 191,7 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong. Biến thể mới Detla đang khiến số ca mắc mơi hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu. Tại Việt Nam dịch bệnh đã lan 59/63 tỉnh thành với số tính lũy tính đến sáng 24/7 86.957 ca mắc.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lây lan trên nhiều địa phương trên cả nước đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết ngay. Vì vậy, cần phải điều chỉnh, trao quyết định chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh,

Từ lý do trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét trình Quốc hội đưa nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, huy động các nguồn lực và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương để phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh Covid-19, nhằm vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Phù hợp với các quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bảo đảm tính khả thi của dự thảo Nghị quyết trong điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.

Trước đó, sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Chính phủ và các bộ ngành liên quan phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo việc chuẩn bị các nội dung liên quan, điều chỉnh nội dung Kỳ họp thứ Nhất để bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ Nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần