70 năm giải phóng Thủ đô

Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ: Kim chỉ nam cho nhiệm vụ kép

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Chính phủ yêu cầu, chậm nhất ngày 20/1 các bộ, ngành địa phương phải hoàn thành việc xây dựng các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.

Mục tiêu kép

Thông tin tại buổi họp báo về Nghị quyết 01 và 02, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Nghị quyết 01 đưa ra 6 quan điểm, giải pháp trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó, phải thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phục hồi và tạo đà tăng trưởng cao.

Mục tiêu năm 2021 của Chính phủ là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (kế hoạch Quốc hội giao là khoảng 6%); GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 45 - 47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%...
 

Để thực hiện các mục tiêu năm 2021, Nghị quyết 01 đề ra 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là giải pháp tăng cường huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư công, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; phát triển mạnh kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới…

Nhấn mạnh năm 2021 là năm rất quan trọng nhưng sẽ còn tiếp tục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức với Việt Nam. Chính phủ nhận thức rõ, lúc này không được chủ quan. Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước.

Tăng trưởng cao một phần do quyết liệt cải cách hành chính

Với Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, đặt ra mục tiêu tiếp tục cắt giảm 20% quy định, điều kiện kinh doanh. Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ các giải pháp, nhiệm vụ, tập trung vào 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như: Chỉ tiêu cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải pháp tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản, ứng dụng công nghệ, chất lượng đào tạo, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng...

Năm 2020, trong bối cảnh hết sức khó khăn, tăng trưởng GDP 2,91% một phần do Việt Nam quyết liệt cải cách hành chính. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác tiến hành tổng rà soát để xoá bỏ tình trạng chồng chéo, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Chính phủ yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; giảm thanh tra, kiểm tra DN; mỗi năm chỉ thanh tra và kiểm tra DN một lần...

Theo Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (63%), 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (68%) được cắt giảm, đơn giản hóa; góp phần tiết kiệm chi phí xã hội với hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư...”.
“Văn phòng Chính phủ đã xây dựng công cụ đánh giá về cắt giảm điều kiện kinh doanh thủ tục hành chính. Cắt giảm ở đâu, giảm gì là bằng công cụ đánh giá. Chính phủ lắng nghe ý kiến DN, người dân làm sao cắt bỏ nhanh hơn, minh bạch hơn " - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay.
 Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Trao đổi bên lề họp báo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu đánh giá, ngoài phạm vi kế thừa các Nghị quyết 19 và 02 trước đây, có 4 nội dung mà Chính phủ nhấn mạnh thêm trong Nghị quyết 02 năm 2021.
Thứ nhất, Chính phủ nhìn thấy cải cách trước đây chủ yếu một vấn đề chỉ nằm trong một bộ ngành, nhưng thực tế DN chịu sự tác động của liên ngành, thì điểm mới của Nghị quyết 02/2021 trọng tâm giải quyết đến việc tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết vấn đề một cách triệt để.
Thứ hai, bối cảnh tình hình mới, chuyển đổi số được nhấn mạnh lần này là vấn đề “không thể không làm” nếu không sẽ bị đào thải cuộc chơi. Do đó, tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số nhưng mạnh mẽ hơn nữa là có hẳn một chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số.
Thứ ba là chuyển từ Chính phủ điện tử sang giai đoạn Chính phủ số. Chính phủ số sẽ tiến tới xử lý các vấn đề các cơ quan Nhà nước kết nối 4 cấp và điện tử hóa, số hóa, bảo mật thông tin và thay vì hồ sơ giấy nay lưu giữ điện tử. Các văn bản điện tử sẽ đều có giá trị pháp lý.
Cuối cùng là trọng tâm các giải pháp ứng phó Covid-19 nhưng nhằm mục tiêu thực hiện mục tiêu kép kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Trước kia chỉ hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì nay, Chính phủ yêu cầu rà soát toàn bộ các chính sách vừa qua, nhằm mục đích vừa giúp DN kiểm soát khó khăn, đồng thời vươn lên phát triển.

Năm 2020, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã đẩy mạnh cải cách hành chính, kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng DN sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Cần lưu ý, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện cải cách trong những năm qua, kể cả ở những thời điểm bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp khó khăn (đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung....). Đây sẽ là cơ sở để tin rằng động lực cho cải cách sẽ tiếp tục được duy trì, “làm mới” và đóng góp hiệu quả hơn vào kết quả kinh tế trong năm 2021.

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, phải bắt tay vào việc ngay từ đầu năm, tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển. Chính sự đoàn kết, tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và toàn dân sẽ là động lực chính đưa đất nước vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực và thế giới.

Nghị quyết 01 và 02 Chính phủ có vai trò quan trọng và là "kim chỉ nam", là "cốt lõi" của công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, các cấp, ngành địa phương trên cả nước năm 2021. Đặc biệt, đây là sẽ năm đầu tiên bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nên phải được xây dựng trên tinh thần bám sát và cụ thể hóa được các nội dung để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải cụ thể hoá Nghị quyết bằng các chương trình hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình để tổ chức thực hiện. Trước ngày 20/1/2021, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, ban hành các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết.

"Về mở cửa vận tải hành khách hiện nay phụ thuộc nhiều yếu tố như diễn biến dịch Covid-19 hiện vẫn phức tạp, chưa khẳng định tiêm vaccine trong năm 2021 sẽ đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh này tại các quốc gia… Năm 2020, sau một thời gian mở lại một số đường bay nhất định nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên đã phải tạm dừng. Do đó, phải có bước đi thận trọng và mục tiêu cao nhất vẫn là phải đảm bảo sức khỏe cho người dân. " - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương


11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; chuẩn bị, ban hành và triển khai ngay các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

2. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

5. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; phát triển mạnh kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

6. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

7. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.

8. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

10. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.

11. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân.