Theo hãng tin Tass, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Khí hậu và Năng lượng của Hạ viện Đức Klaus Ernst hôm 29/7 khẳng định Berlin vẫn cần khí đốt của Nga. Đồng thời, ông Ernst lưu ý thêm rằng chính quyền liên bang nên sớm cấp phép cho đường ống Nord Stream 2, vốn đã hoàn thành, nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận để vận hành chính thức.
“Xét theo tổng thể bản chất của sự việc, việc vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức thông qua tuyến đường ống Nord Stream 2 cũng chỉ đóng vai trò về an ninh năng lượng. Nếu không có triển vọng nào khác để đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, bất kể lý do là gì, nguồn cung khí đốt của Đức cuối cùng chỉ có thể đến từ đường ống Nord Stream 2. Chính vì vậy, chúng ta nên vận hành đường ống dẫn khí này càng sớm càng tốt," nhà lập pháp Klaus nhấn mạnh.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2, hoàn thành từ tháng 9/2021, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan. Đường ống này dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lượng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Hiện đường ống Nord Stream 2 đang chờ giấy phép hoạt động từ Berlin - vốn bị đình chỉ vô thời hạn từ ngày 22/2, hai ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Đức đã nhấn mạnh rằng theo luật, Nord Stream 2 không thể hoạt động nếu đường ống này chưa được cấp phép.
Trong một diễn biến liên quan, 7 thị trưởng trên đảo Ruegen hôm 27/7 đã kêu gọi chính phủ Đức cho phép vận chuyển khí đốt Nga qua Nord Stream 2 trong lúc Nord Stream 1 đang gặp khó khăn về kỹ thuật.
Theo RT đưa tin các nhà lãnh đạo của hòn đảo lớn nhất ở Đức vừa gửi thư yêu cầu Berlin suy nghĩ lại chính sách về Nga. “Chính sách của Berlin về việc cố gắng từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga có thể sẽ gây ra khó khăn và châm ngòi cho tình trạng bất ổn” - 7 thị trưởng từ đảo Ruegen của Đức đã viết trong bức thư gửi chính phủ liên bang và khu vực hôm 27/7.
Theo hãng tin DPA, các thị trưởng trên đảo Ruegen nói rằng việc từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga sẽ đồng nghĩa với việc giá sinh hoạt bùng nổ, dẫn đến bất ổn xã hội và bất ổn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo nội dung bức thư của các thị trưởng, những lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng từ chính phủ liên bang - như tắm ít hơn và phân phối nước nóng - “là điều thật khó chấp nhận”.
Trong nhiều tuần qua, chính phủ Đức đã kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt, xăng dầu tăng cao do xung đột tại Ukraine.
Hãng tin RT cho biết, thành phố Hannover của Đức đã thực hiện một số biện pháp quyết liệt trong nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng khi quốc gia này đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ngày 25/7, các nhà chức trách Hannover thông báo sẽ cắt nước nóng ở tất cả các tòa nhà công cộng của thành phố, bao gồm phòng gym và hồ bơi. Các biện pháp này đã được triển khai khi thành phố phát động chiến dịch giảm tiêu thụ năng lượng 15% để chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt có thể xảy ra vào mùa đông.
Hannover không phải là thành phố duy nhất của Đức thực hiện một số biện pháp tiết kiệm năng lượng cho mùa đông. Tờ Bild của Đức cho biết, thành phố Dusseldorf có kế hoạch giảm nhiệt độ sưởi ấm cho mùa thu và mùa đông để tiết kiệm năng lượng.
Hồi đầu tháng này, các hãng truyền thông Đức cũng đưa tin rằng người dân Đức đã giảm thời gian tắm trong bối cảnh chính phủ liên tục kêu gọi "thắt lưng buộc bụng" khi sử dụng khí đốt. Bộ trưởng Kinh tế Đức và Phó Thủ tướng Robert Habeck trước đó đã kêu gọi người dân cắt giảm sử dụng khí đốt trong sinh hoạt nhằm giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Đức đã phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng khi Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực giảm sự phụ thuộc của nguồn cung năng lượng Nga vì chiến sự ở Ukraine hồi tháng 2. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 4 lần trong năm nay, chủ yếu do Nga - nhà cung cấp chính của lục địa này - giảm mạnh nguồn cung.